7 phương án quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài

Các phương án mở rộng sân bay Nội Bài đều tính đến xây mới ít nhất một đường cất hạ cánh ở phía Nam và một đường ở phía Bắc.

Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay ADPi (Pháp) đã trình Bộ Giao thông Vận tải 7 phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài; đưa sân bay này đạt công suất 100 triệu hành khách hàng năm, đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030.

Hầu hết phương án đều đề xuất giữ nguyên nhà ga T2, phá dỡ nhà ga T1 và xây mới hai nhà ga hành khách ở phía Nam đường Võ Văn Kiệt.

7 phương án quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài - Ảnh 1.

Đường cất hạ cánh ở sân bay Nội Bài. (Ảnh: Ngọc Thành)

Các phương án xoay quanh 3 nhóm đường cất hạ cánh. Thứ nhất, 3 đường cất hạ cánh độc lập (máy bay lên xuống cùng lúc) ở phía Nam và phía Bắc; thứ hai là một đường độc lập và hai đường cất hạ cánh phụ thuộc (máy bay không lên xuống cùng lúc); thứ ba, hai cặp đường cất hạ cánh song song phụ thuộc. Trong mỗi phương án đều có phân đầu tư đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách theo hai giai đoạn.

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng giải thích, "đơn vị tư vấn đã chú trọng đề xuất cấu hình đường cất hạ cánh, vì cấu hình này sẽ quyết định vị trí các hạ tầng khác, trong đó có nhà ga".

Theo đại diện ADPi, trong giai đoạn đến năm 2030, khả thi nhất là xây dựng đường cất hạ cánh ở phía Nam sân bay Nội Bài. Về dài hạn, đến năm 2050, để đạt công suất 100 triệu khách/năm thì cần có thêm đường cất hạ cánh ở phía Bắc.

"Với Nội Bài, quan trọng nhất là việc xây dựng mới ảnh hưởng đến khu dân cư như thế nào, thu hồi đất ra sao. Những phương án đòi hỏi phải thu hồi đất rất lớn hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến đất quốc phòng sẽ không được lựa chọn", đại diện ADPi nói.

Hôm qua 25/11, Văn phòng Chính phủ cho hay Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tư vấn ADPi (Pháp) tiếp tục hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài.

"Quy hoạch phải phù hợp với không gian phát triển vùng thủ đô, hạn chế thấp nhất diện tích đất bồi thường, khả năng phân đầu tư phù hợp với từng giai đoạn", Phó thủ tướng yêu cầu.

Từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua sân bay Nội Bài tăng nhanh, trung bình trên 10% mỗi năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng cảng. Công suất thiết kế của Nội Bài hiện tại chỉ là 25 triệu khách/năm, trong đó nhà ga T1 + sảnh E là 15 triệu, nhà ga quốc tế T2 10 triệu. Tuy nhiên, năm 2018, sân bay này đã đón gần 26 triệu lượt khách. Dự kiến năm 2019 sẽ đón khoảng 29 triệu lượt. Con số này dự kiến tăng đến 47,3 triệu khách vào năm 2025 và 63 triệu khách vào năm 2030.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.