Hiện tại phương pháp xử lí rác thải sinh hoạt chính ở Việt Nam là chôn lấp. (Ảnh: TRỌNG NHÂN)
Tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Đoàn - đại diện Vụ Quản lí chất thải, Tổng cục Môi trường - cho biết lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó ở đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn "góp" khoảng 24.000 tấn/ngày.
Trên cả nước, địa phương có khối lượng rác thải sinh hoạt lớn nhất là TP.HCM với 9.100 tấn/ngày, xếp sau là Hà Nội 6.500 tấn/ngày, Thanh Hóa 2.246 tấn/ngày.
Ông Đoàn thông tin thêm, hiện tại phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chỉ được thực hiện ở một số địa phương, nhưng phần lớn mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao.
Tỉ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85,5% và ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60%.
Trong khi đó, tỉ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 40 - 55%. Tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, tỉ lệ này cao hơn ở vùng sâu vùng xa.
Ông Đỗ Tiến Đoàn - đại diện Vụ quản lí chất thải, Tổng cục Môi trường. (Ảnh: TRỌNG NHÂN)
Hiện tại, hoạt động xử lí rác thải rắn chủ yếu là chôn lấp, chiếm khoảng 71%, còn lại xử lí bằng phương pháp phân compost chiếm 16% và phương pháp đốt chiếm 13%.
Số bãi chôn lắp rác trên cả nước vào khoảng 900, trong đó nhiều bãi không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập chất thải cấp xã gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, không khí gây ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh.
Ngoài ra, cả nước cũng có trên 380 lò đốt, trong đó chỉ có khoảng 294 lò, chiếm 77%, có công xuất trên 300kg/giờ.
Theo ông Trần Phong - quyền cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Miền Nam, Tổng cục Môi trường - hiện tại trong việc bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều chữ "mặc kệ": chẳng hạn người dân "mặc kệ" việc xả rác bừa bãi, doanh nghiệp "mặc kệ" việc xả thải ra môi trường... Do đó, vai trò của truyền thông là phải thay đổi chữ "mặc kệ" đang tồn tại ở nhiều nơi về hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là hoạt động quản lí nhà nước.
Ông Trần Phong - quyền cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Miền Nam - tại hội thảo. (Ảnh: TRỌNG NHÂN)
"Dẫu vậy, truyền thông chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể phối hợp giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường, bên cạnh sự liên kết của nhiều công cụ khác, chẳng hạn như giáo dục hay chế tài" - ông Phong nói.
Ông cho biết thêm các thông tin về môi trường sẽ được tăng cường chuyển sang cho nhiều đối tượng một lúc, như nhà khoa học, doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức xã hội, và báo chí, để mỗi cơ quan, đơn vị sẽ sử dụng theo từng nhu cầu mục đích khác nhau, để nâng cao đồng bộ các hoạt động cho bảo vệ môi trường cho xã hội.