73 doanh nghiệp gửi 115 văn bản kiến nghị gỡ khó cho hàng trăm dự án bất động sản

Các địa phương mới đang dừng ở bước đôn đốc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho một cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện của địa phương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến hướng dẫn việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.

Cụ thể, gồm: 8 văn bản của 6 địa phương; 115 văn bản của 73 doanh nghiệp; 2 văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) và 13 văn bản của người dân.

Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 126 văn bản, trong đó có 126 văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền 12 văn bản và ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án,...cho các địa phương như TP Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Sơn La, Thái Bình, Bình Định...

"Nhìn chung, theo báo cáo các địa phương đều đang tích cực rà soát, tổng hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, nhưng hầu hết mới chỉ là các đôn đốc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho một cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện của địa phương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến hướng dẫn", báo cáo nêu.

Thực tế, theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đến nay Tổ công tác của TP HCM đã giải quyết được khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản bị vướng mắc, khó khăn.

Theo đó, ba dự án bất động sản vừa được giải quyết vướng mắc gồm: Dự án Khu phức hợp Sóng Việt; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của CTCP VTHouse và CTCP Tâm Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Hiện vẫn còn 12 dự án được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP HCM. 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư làm nhà ở thương mại đang được hướng dẫn tháo gỡ...

Hay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ công tác đặc biệt mới đây cho biết đã hoàn thành giải quyết 18 kiến nghị của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện vẫn còn 29 kiến nghị đang được Tổ tập trung giải quyết, chủ yếu liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường cho dự án, điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh tiến độ dự án; liên quan đến thủ tục đất đai; chuyển nhượng đất đai…

Thiếu hụt nguồn cung, giá chung cư tăng cao

Bộ Xây dựng đánh giá, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Tuy nhiên, theo nhận định của một số tổ chức nghiên cứu thị trường và một số địa phương, trong 6 tháng cuối năm thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm nay.

Cụ thể, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy vậy, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ này, nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả phân khúc đến hết quý III. Cụ thể, 42 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành với khoảng 15.966 căn, đạt khoảng 46% so với năm 2022. Có 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 850 căn hộ được hoàn thành xây dựng. 17 dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú được hoàn thành, bằng 56% so với năm 2022.

Về giá, giá căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung căn hộ trong những năm gần đây khan hiếm. Tuy nhiên, giá nhà ở thấp tầng và một số loại phân khúc bất động sản khác giảm mạnh 10 - 20% tùy thuộc vào vị trí của từng khu vực.

Về tổng lượng giao dịch, tính đến hết quý III, có khoảng 324.378 giao dịch thành công, đạt khoảng 41% so với năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, chỉ bằng 36% so với năm 2022. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 63% so với năm 2022.

Lượng tồn kho bất động sản trong quý III là khoảng 18.808 căn, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án. Số lượng cụ thể tồn kho là chung cư 3.196 căn; nhà ở riêng lẻ 6.554 căn; đất nền 7.190 nền.

Bộ Xây dựng đánh giá, vẫn còn một số tồn tại như thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc nhất là về các thủ tục pháp lý.

Bên cạnh đó, thị trường thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư đang gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực. Số lượng giao dịch và thanh khoản đã chuyển biến nhưng còn chậm. Việc cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm, xuống cấp tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm so với yêu cầu thực tiễn.

Sang năm 2024, Bộ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời sẽ hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách...

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.