Tổng cục Thống kê (GSO) vùa công bố báo cáo xu hướng sản xuất (SX) kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quí III, dự báo quí IV năm 2020.
Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quí ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm 6.500 doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số doanh nghiệp thực tế trả lời trong kì điều tra quí III/2020 đạt gần 90%.
Theo báo cáo điều tra của GSO, tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp.
Có 68,1% số DN ngành chế biến, chế tạo nhận định tổng quan tình hình SXKD quí III/2020 tốt lên và giữ ổn định so với qúi II. Trong đó, khu vực DN FDI có tỉ lệ DN dự báo tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định là cao nhất.
Cùng với bài học kinh nghiệm rút ra khi đương đầu với làn sóng Covid-19 lần 1, chính phủ đã đưa ra và áp dụng nhiều giải pháp, chính sách kịp thời từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người dân khắc phục khó khăn sau đại dịch, đưa nền kinh tế từng bước phục hồi.
Theo báo cáo, tình hình SXKD quí IV/2020 so với quí III/2020 lạc quan hơn khi có tới 81,0% số DN dự báo tốt lên và giữ ổn định, trong khi đó chỉ có 19,0% DN dự báo khó khăn hơn.
Đặc biệt, khu vực DN FDI có tỉ lệ dự báo tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định ở quí IV/2020 so với quí III/2020 là cao nhất, tiếp đến là khu vực DN nhà nước và khu vực DN ngoài nhà nước.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD, báo cáo điều tra của GSO chỉ ra rằng, tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước luôn là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của DN.
Cụ thể, có tới 54,1% trong tổng số 6.500 DN cho rằng yếu tố cạnh tranh của hàng hóa trong nước ảnh hưởng đến hoạt động SXKD; có 51,6% DN cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; có 35,0% DN gặp khó khăn về tài chính.
29,4% DN được khảo sát cho rằng nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN là do nhu cầu quốc tế thấp; 26,5% DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; hai yếu tố lãi suất vay vốn cao và không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu đều được 23,9% DN lựa chọn; 20,1% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 12,0% DN chọn phương án chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chỉ có 6,4% DN cho rằng nguyên nhân đến từ việc không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và 2,5% DN cho rằng thiếu năng lượng.
Về khối lượng sản xuất: Chỉ số cân bằng (thể hiện số phần trăm DN dự báo khối lượng sản xuất tăng trừ đi số phần trăm DN dự báo khối lượng sản xuất giảm) ở quí III so với quí II là 6,0%.
Trong đó, khu vực DN nhà nước có chỉ số cân bằng 1,7%; khu vực DN ngoài nhà nước 3,5% và DN FDI 13,2%.
Chỉ số cân bằng quí IV/2020 so với quí III/2020 là 28,4%, trong đó chỉ số cân bằng của khu vực DN FDI đạt cao nhất, tiếp đến là khu vực DN nhà nước và khu vực DN ngoài nhà nước thấp nhất.
Về qui mô lao động: Chỉ số cân bằng về việc tăng và giảm qui mô lao động ở quí III/2020 so với quí II/2020 là -8,8%, trong đó khu vực DN nhà nước có chỉ số cân bằng là -11,4%; khu vực DN ngoài nhà nước là -10,1% và khu vực DN FDI là -5,0%.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, biến động lao động có xu hướng khả quan tăng ở quí IV/2020 so với quí III với chỉ số cân bằng là 5,9%, tăng cao nhất ở khu vực DN FDI với 13,4%.