AFC Vietnam Fund nêu 4 lý do Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi

Năm 2021, Việt Nam thăng hạng ba bậc để leo lên vị trí thứ 8 trong danh sách 10 thị trường logistics mới nổi của Agility. Quỹ AFC Vietnam Fund đã đưa ra 4 lý do lý giải thành tích của Việt Nam.

Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng tốc

Mở đầu bản báo cáo được công bố hôm 28/2, quỹ AFC Vietnam Fund nhận định, thành công trên mặt trận phòng chống đại dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế, đồng thời tinh giản bớt các biện pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và các cá nhân bị ảnh hưởng.

Trong khi hầu hết chính phủ trên thế giới phải tăng cường chi tiêu tài khóa để củng cố nền kinh tế, Việt Nam vẫn có thể duy trì tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 55,3% vào năm ngoái, giảm so với mốc 63,7% của năm 2016. Tính chung toàn cầu năm 2020, khối nợ chính phủ đã tăng 24 nghìn tỷ USD lên con số kỷ lục 281 nghìn tỷ USD và tỷ lệ nợ công/GDP nhảy vọt lên hơn 355%.

AFC Vietnam Fund nêu 4 lý do Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi - Ảnh 1.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các gói chi tiêu của chính phủ thế giới chiếm hơn 50% trong mức tăng 24 nghìn tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình lần lượt đóng góp 5,4 nghìn tỷ USD, 3,9 nghìn tỷ USD và 2,6 nghìn tỷ USD vào khối nợ tăng thêm.

AFC Vietnam Fund nhận thấy nhờ các yếu tố trên mà trong tương lai, Việt Nam sẽ có nhiều dư địa chính sách hơn so với các nền kinh tế trong khu vực.

Dù đối mặt với một số trở ngại trong trung hạn như thiếu lao động tay nghề cao và cơ sở hạ tầng chất lượng,..., chính phủ Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng vào các mục tiêu dài hạn của đất nước, AFC Vietnam Fund lưu ý.

Một trong các mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mới là tăng gấp đôi GDP vào năm 2025 so với mức cơ bản của năm 2020. Việt Nam cũng đang phấn đấu từ một nước thu nhập trung bình thấp trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước trong 5 năm tới, tăng tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế từ 42% hiện tại lên hơn 50%. Đồng thời, chính phủ còn muốn tăng tiến trên chuỗi giá trị bằng cách thu hút vốn FDI chất lượng cao hơn, tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Top 10 thị trường logistics mới nổi

Sau khi nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất chiến lược, Việt Nam đã tăng ba bậc lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu năm nay.

Việt Nam đạt tổng điểm 5,67/10 trong Chỉ số Logistics Thị trường Mới nổi của Agility, một trong các công ty logistics hàng đầu thế giới.

AFC Vietnam Fund nêu 4 lý do Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi - Ảnh 2.

Thứ hạng cao của ngành logistics Việt Nam là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có lợi thế địa chính trị, dòng vốn FDI, tăng trưởng xuất khẩu mạnh và các hiệp định thương mại tự do (FTA), AFC Vietnam Fund nhận xét.

Đầu tiên, Việt Nam có hơn 3.000 km đường bờ biển với nhiều cảng lớn nhỏ. Ngoài ra, Việt Nam cũng giáp với Trung Quốc - trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới.

Trong vài thập kỷ qua, chính phủ Việt Nam đã tập trung xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng. Đến nay, Việt Nam đã phát triển hai cảng biển nước sâu quan trọng, một là cảng Cái Mép - Thị Vải tại Vũng Tàu và hai là cảng Lạch Huyện tại Hải Phòng.

AFC Vietnam Fund nêu 4 lý do Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi - Ảnh 3.

Thứ hai, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam liên tục tăng mạnh trong 20 năm qua. Việt Nam đã thành công thu hút nhiều khoản đầu tư từ các ông lớn nước ngoài như Samsung, LG Electronics, Apple, Microsoft, Intel,...

Đồng thời, khi các công ty nước ngoài đến "đóng cọc" tại Việt Nam, chuỗi cung ứng của họ cũng dịch chuyển theo. Sức hút của Việt Nam trong mắt các công ty ngoại ngày càng tăng. 

Một ví dụ điển hình là khi Apple dịch chuyển cơ sở sản xuất để tránh thuế quan trừng phạt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hàng loạt nhà cung ứng lớn của "táo khuyết" như Foxconn, Pegatron, Luxshare,... cũng theo hãng đến Việt Nam xây dựng nhà máy.

AFC Vietnam Fund nêu 4 lý do Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi - Ảnh 4.

Thứ ba, dòng vốn FDI mạnh mẽ đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng trong vài thập kỷ qua. Từ đó, Việt Nam chuyển mình từ một nền kinh tế nhỏ và biệt lập thành nền kinh tế dựa vào sản xuất và có định hướng xuất khẩu.

Cuối cùng, Việt Nam đã thành công định vị mình là một trung tâm sản xuất toàn cầu và ký kết được nhiều FTA trong vài năm qua, trong đó đáng chú ý nhất là Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

AFC Vietnam Fund nêu 4 lý do Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi - Ảnh 5.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.