s
* GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Triển khai Nghị quyết 29 đã và đang được thực hiện tích cực, bài bản
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng thời gian qua, ngành Giáo dục cũng có nhiều điểm sáng và bước tiến quan trọng. Đầu tiên là thành tích học tập của các em học sinh ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Phải khẳng định rằng, chưa năm nào chúng ta lại được “mùa vàng” như năm 2017. Thành tích này đã được thế giới công nhận và chúng ta có quyền tự hào về thành tích của mình.
Tiếp đến là việc triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã và đang được thực hiện tích cực, bài bản trong các nhà trường, mà điểm nhấn là Kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Kỳ thi đã được xã hội đánh giá là thành công trên nhiều phương diện, giảm áp lực đối với xã hội và thỏa mãn cho các trường đại học tuyển sinh. Có thể nói, đây là kỳ thi không tạo ra những bức xúc trong xã hội về tính trung thực, khách quan. Vì thế tôi cho rằng, Kỳ thi THPT quốc gia chính là điểm sáng của ngành Giáo dục trong năm vừa qua.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là tới đây sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, ngay trong năm 2018, ngành Giáo dục cần chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm làm thay đổi về chất. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng cần đổi mới về nội dung đào tạo nhằm đáp ứng với yêu cầu của Chương trình, sách giáo khoa mới.
* GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Chất lượng giáo dục ngày một nâng cao
Có thể khẳng định, hệ thống giáo dục của chúng ta rất lớn với hơn 22 triệu người đi học, trên 1 triệu nhà giáo, khoảng 30 nghìn trường phổ thông và gần 300 trường đại học. Một nước nhiều năm chiến tranh liên miên và có bình quân thu nhập thấp nhưng với số lượng người đi học như vậy là điều rất đáng tự hào. Số lượng và chất lượng giáo dục ngày một nâng cao.
Hiện nay, ngành Giáo dục đang tiến hành công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Theo tôi, điểm xuất phát của công cuộc đổi mới này phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, hay nói rộng ra chính là yếu tố con người. Đây chính là khâu đột phá để chúng ta đổi mới thành công. Người thầy tốt, học sinh sẽ tốt, người thầy giỏi, uyên thâm kiến thức, luôn đổi mới - sáng tạo sẽ có học trò giỏi. Và có con người tốt thì xã hội sẽ tốt.
Năm qua, theo tôi nhìn nhận thì công tác quản lý của các nhà trường đã bài bản hơn, đại bộ phận giáo viên rất tích cực, yêu nghề, yêu trẻ được nhân dân tín nhiệm và giữ được kỷ cương trong nhà trường.
Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ chuyển giao và chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Vì thế, năm 2018 này, các trường, các địa phương cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và hội đủ các yếu tố về nhân lực, vật lực để tiếp nhận cái mới.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường. Đây phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu của các nhà trường, từ đó mới tạo ra chất lượng tốt.
* PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Bộ GD&ĐT làm rõ hơn những chuẩn mực của giáo dục toàn diện
Trong năm 2017, tôi ấn tượng và đặc biệt quan tâm đến giáo dục phổ thông. Ở bậc học này là giáo dục học sinh hình hành nhân cách. Theo đó, ngành Giáo dục đã coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh ngay từ lớp 1. |
Đây là điểm rất đáng ghi nhận. Do đó dù muốn hay không cũng phải đánh giá một cách công bằng, khách quan về công lao của ngành Giáo dục, mà cụ thể là các thầy, cô giáo trong việc giáo dục và hình thành nhân cách, phẩm chất, năng lực cho học sinh từ khi “vỡ lòng”.
Vì vậy tôi cho rằng, giáo dục trong năm vừa qua đã có những chuyển biến nhất định cả về diện và chất. Ngành Giáo dục đã góp phần tích cực trong chăm sóc thế hệ trẻ, phát triển nguồn nhân lực, đặt biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Song theo tôi, điểm nhấn của năm 2017 đó là Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia. Với việc giao cho các địa phương chủ trì và các trường đại học cùng tham gia phối hợp đã tạo nên một kỳ thi nghiêm túc, khách quan và công bằng. Đồng thời tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng cho các gia đình, học sinh vì không phải đi lại vất vả, phức tạp như trước đây.
Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chất lượng của kỳ thi đó là khâu ra đề. Đề thi chất lượng, đảm bảo phân hóa năng lực, kiến thức của thí sinh và có tính hội nhập quốc tế. Mong rằng, Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phát huy được những kết quả này, để tổ chức một kỳ thi thành công hơn nữa, đáp ứng lòng mong mỏi của học sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo.
Bên cạnh đó, trong năm mới, tôi mong rằng Bộ GD&ĐT làm rõ hơn những chuẩn mực của giáo dục toàn diện, giúp học sinh không chỉ tiếp nhận giáo dục chuẩn mực từ nhà trường, mà các em còn biết cách tiếp nhận từ ngoài xã hội một cách đúng mực.
Mặt khác, ngành Giáo dục vẫn phải tập trung vào công tác quản lý giáo dục cho thật tốt. Vì mỗi thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là tấm gương để các em học sinh noi theo. Do đó bài toán đặt ra là: Các nhà trường tổ chức quản lý như thế nào, bồi dưỡng giáo viên ra sao, để các em học sinh được học hành tốt hơn, tư duy, sáng tạo tốt hơn và có tinh thần tự giác tốt hơn... Do đó, hơn lúc nào hết các nhà trường phải triển khai quyết liệt hơn về kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.
“Với đà thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT của toàn ngành và với 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã, đang triển khai trong năm học 2017 – 2018; tôi mong rằng, tất cả các trường, các địa phương sẽ gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào hơn nữa trong năm 2018”. GS.VS Phạm Minh Hạc |
Phụ huynh làm gì để duy trì thói quen học bài cho con sau thời gian nghỉ tết
Nghỉ Tết Nguyên đán là thời gian nghỉ kéo thứ hai sau kỳ nghỉ hè, chính vì thời gian kỳ nghỉ kéo dài nên khiến ... |
Du học sinh và những vui buồn đón Tết xa quê
Trong khi các sinh viên trong nước nô nức về quê ăn Tết thì các du học sinh nước ngoài chỉ biết ngắm Tết qua ... |
Năm Mậu Tuất trò chuyện với chàng sinh viên 'dành cả tuổi thanh xuân' để huấn luyện chó
Mỗi lần bắt đầu huấn luyện một chú chó, Đạt bị chúng cắn "như cơm bữa", vết thương chằng chịt trên cơ thể, ám ảnh ... |