Bé gái Honduras khóc nức nở khi mẹ bị giới chức Mỹ khám xét ở biên giới Mỹ - Mexico hôm 12/6 (Ảnh: John Moore). |
Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc diễn ra vào tuần trước ở thung lũng Rio Grande được ca ngợi là một sự hội tụ tất cả nỗi đau đớn và tuyệt vọng của nhiều gia đình đang bị chính quyền Tổng thống Trump chia cắt ở biên giới Mỹ - Mexico mỗi ngày.
Trong bức ảnh đang gây "bão" trên mạng này, bé gái 2 tuổi mặc chiếc áo màu hồng đang khóc một cách vô vọng với ánh mắt hướng về mẹ.
Người phụ nữ không có mặt trong ảnh nhưng theo tác giả John Moore, khi đó bà đang bị một nhân viên Hải quan và Tuần tra Biên giới Mỹ khám xét.
"Người mẹ được yêu cầu đặt đứa bé xuống trong lúc khám xét. Bé gái ngay lập tức bật khóc", phóng viên ảnh của hãng Getty, từng đạt giải Pulitzer, kể với NPR. "Tôi chỉ chụp vài tấm và bản thân tôi gần như quá xúc động".
Sau khoảnh khắc đó, người mẹ và đứa trẻ được đưa lên một chiếc xe cùng nhóm người nhập cư không giấy tờ khác đến một trung tâm. Không rõ số phận của họ hiện giờ ra sao.
Moore, người đã tác nghiệp ở biên giới Mỹ - Mexico suốt một thập kỷ qua, cho hay ông có nói chuyện một lúc với người mẹ trước khi bà bị đưa đi.
Người phụ nữ kể bà đến từ Honduras, họ đã di chuyển "tròn một tháng nay và kiệt sức".
Một phụ nữ và con trai người Honduras bị giới chức Mỹ soi đèn pin khi phát hiện họ trốn trong bóng tối ở bang Texas, gần biên giới Mỹ - Mexico hôm 12/6. (Ảnh: John Moore). |
Số người tị nạn từ Honduras bị giới chức Mỹ bắt giữ đang tăng lên trong những tháng gần đây, do quốc gia nghèo thứ hai ở Trung Mỹ này tiếp tục chìm trong bạo lực và bất ổn chính trị.
Moore cho biết rất nhiều trường hợp trong số những người tìm kiếm tị nạn mà ông chụp ảnh tuần trước đến từ Trung Mỹ. Họ bỏ trốn khỏi quê hương vì sợ hãi trước bạo lực hoặc tính mạng bị đe dọa.
Ông đã nhìn thấy những cảnh tượng tương tự trong suốt những năm tác nghiệp ở khu vực này nhưng "tuần trước thì khác".
Chính quyền Mỹ hôm 15/6 cho biết trong 6 tuần, kể từ ngày 19/4, đã chia tách gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ và người bảo hộ bị cáo buộc vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ. Đây là một phần trong chính sách nhập cư mới "không khoan nhượng" của ông Trump.
Chính quyền khẳng định rằng không phải cứ đi cùng trẻ em thì được vào Mỹ dễ dàng vì nghi ngờ trẻ vị thành niên bị dùng làm lá chắn.
"Là một phóng viên ảnh, vai trò của tôi vẫn tiếp tục, dù rất khó khăn", Moore nói. "Nhưng trên tư cách một người cha, tôi cũng có một con nhỏ, thật đau lòng khi nhìn thấy những gì diễn ra trước ống kính của mình và tưởng tượng những đứa con cũng bị chia cắt khỏi tôi như thế".
Xe của cơ quan Hải quan và Tuần tra Biên giới Mỹ đến bắt giữ một nhóm người Honduras vượt biên trái phép gần biên giới với Mexico hôm 12/6. (Ảnh: John Moore). |
Bất chấp làn sóng phẫn nộ đang sôi sục khắp nước Mỹ trước hình ảnh trẻ em bị tách khỏi cha mẹ, Bộ An ninh Nội địa hôm qua tuyên bố họ chỉ đang thực thi pháp luật theo cách mà các chính quyền trước đây đã không làm được.
Bộ trưởng Kirstjen Nielsen nói rằng Mỹ là một quốc gia của "lòng từ bi" và trong 3 tháng qua, hơn 50.000 người đã nhập cư trái phép vào biên giới phía nam.
Bà phủ nhận cáo buộc trẻ em bị ngược đãi: "Chính quyền này không tạo ra chính sách chia rẽ các gia đình ở biên giới. Các bậc cha mẹ nhập cư bất hợp pháp là những tội phạm.
Bằng cách nhập cảnh trái phép, thường là trong những hoàn cảnh nguy hiểm, những người nhập cư bất hợp pháp đã đặt con cái họ trước những mối nguy cơ".
Bà Nielsen cũng kêu gọi quốc hội Mỹ lấp những lỗ hổng trong pháp luật để các gia đình được đoàn tụ. "Quốc hội và tòa án đã tạo ra vấn đề này và quốc hội có thể một mình điều chỉnh nó.
Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ thực thi mọi điều luật mà chúng tôi có theo quy định để bảo vệ chủ quyền và an ninh của nước Mỹ", bà nói.
Khủng hoảng di dân đe dọa nhấn chìm châu Âu
Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận Liên minh châu Âu đang trên bờ vực chia rẽ liên quan đến tình trạng di dân. |
Những người nhập cư bị kỳ thị trong 'khu ổ chuột' ở Đan Mạch
Tại những khu bị chính phủ coi là "ổ chuột" ở Đan Mạch, nhiều cư dân, phần lớn là người nhập cư, cảm thấy họ ... |
Người nhập cư không giấy tờ khiến nước Pháp phải cám ơn
Chàng thanh niên 22 tuổi người Mali đã leo lên mặt tiền một tòa nhà chung cư ở Paris để cứu lấy đứa bé bị ... |