630 người di cư và tị nạn - được cứu ở ngoài khơi bờ biển Libya - đã đến cảng Valencia của Tây Ban Nha hôm 17-6 sau 7 ngày lênh đênh trên biển và bị Ý cùng Malta từ chối tiếp nhận.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc chính phủ Ý "bất nhẫn và vô trách nhiệm" do đã không cho tàu cứu nạn Aquarius cập cảng nước này.
May thay, số phận của những người di cư này đã được giải quyết khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tuyên bố nước này có trách nhiệm giúp đẩy lui thảm họa nhân đạo và sẽ tiếp nhận những người khốn khổ.
Báo The Guardian (Anh) cho biết ngay khi lên bờ, những người di cư trên - gồm ít nhất 7 phụ nữ có thai, 123 thiếu niên không có người thân đi cùng và 11 trẻ em - được nhân viên Hội Chữ thập đỏ kiểm tra về y tế.
Tổ chức nhân đạo này đã triển khai hàng trăm nhân viên và tình nguyện viên đến khu vực trên, dựng lều trại và trung tâm tiếp nhận ở cảng Valencia cùng với lương thực và quần áo từ chiều 16-6.
Ngoài ra, nhân viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) sẽ có mặt để giúp những người trốn chạy chiến tranh và ngược đãi này làm thủ tục xin tị nạn, trong khi 400 phiên dịch viên sẵn sàng giúp đỡ về mặt giao tiếp.
Bộ trưởng Công trình công cộng Tây Ban Nha Jose Luis Abalos khẳng định những người mà tàu Aquarius cứu sẽ có sự bảo đảm quyền đặc biệt ở lại nước này trong vòng một tháng trước khi họ được giải quyết theo pháp luật và không có ngoại lệ.
Bé trai của một phụ nữ di cư chào đời ngay trên tàu cứu nạn Aquarius (Ảnh: Reuters). |
Tây Ban Nha đưa ra quyết định tiếp nhận người di cư và tị nạn trong bối cảnh sự căng thẳng nổi lên giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và có lời kêu gọi đánh giá lại hệ thống di cư hiện nay.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell miêu tả quyết định của nước này là một "hành động mang tính biểu tượng cao độ" sẽ có thể làm cho châu Âu thoát ra khỏi "chính sách tự dối mình" về vấn đề di dân.
Chính phủ mới thành lập cũng đã thông báo kế hoạch mở rộng hệ thống y tế công cho đối tượng là người nước ngoài không có giấy phép cư trú, đồng thời xem xét dỡ bỏ hàng rào kẽm gai dựng lên trên biên giới ở 2 vùng đất Melilla và Ceuta thuộc Tây Ban Nha ở Bắc Phi.
Tuy nhiên, UNHCR đã lên tiếng cảnh báo Tây Ban Nha sẽ đối mặt thêm nhiều thách thức khi dang tay cứu giúp và bảo vệ những người đến bờ biển nước này.
Trên thực tế, riêng trong 2 ngày 15 và 16-6, đơn vị cứu nạn hàng hải Tây Ban Nha đã cứu 986 người cố vượt Địa Trung Hải và vớt được 4 thi thể.
Sự việc trên diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU - trong 2 ngày 28 và 29/6 sắp tới - bàn về vấn đề di dân trong khi tân chính phủ dân túy ở Ý sẽ khiến cho bất cứ sự nhượng bộ nào về chính sách di dân đều khó có thể xảy ra hơn.
Các nhà lãnh đạo Ý muốn chấm dứt quy định cho người di cư được phép tị nạn ở quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến.
Trước tình hình tranh cãi về vấn đề di dân khắp châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận EU đang trên bờ vực chia rẽ liên quan đến tình trạng di dân.
Thủ tướng Đức đưa ra tuyên bố gây sốc như trên giữa lúc chính phủ liên minh mong manh của bà cũng có thể bị sụp đổ khi những người chỉ trích hối thúc bà phải áp dụng đường lối cứng rắn hơn với người di cư.
Bà nhấn mạnh "Đây là thách thức của châu Âu cũng cần một giải pháp của người châu Âu. Tôi nhận thấy vấn đề này mang tính quyết định để giữ châu Âu liên kết với nhau".
Thủ tướng Merkel đã bác bỏ kế hoạch của Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đơn phương gửi trả lại những người di cư đã đăng ký xin tị nạn ở các nước EU khác.
Cuối tuần này, bà Merkel sẽ gặp Tổng thống Macron bàn về chính sách châu Âu mở rộng. Ông Macron là người ủng hộ kế hoạch hình thành "pháo đài châu Âu" để ngăn chặn làn sóng di dân vì lý do kinh tế.
Trong vòng 6 tuần gần đây, gần 2.000 trẻ vị thành niên vượt biên trái phép vào Mỹ đã bị tách khỏi cha mẹ hoặc người bảo trợ ở khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Đó là kết quả cụ thể từ chính sách an ninh biên giới "không nhân nhượng" của chính quyền Tổng thống Donald Trump vốn đối mặt với nhiều chỉ trích, đặc biệt từ các nghị sĩ Đảng Dân chủ.
Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói các quan chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) sẽ truy tố tất cả các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.
Vì vậy, những đứa trẻ di cư phải bị chia cắt khỏi gia đình để không phải vào tù. Theo những dữ liệu mới nhất từ DHS do hãng thông tấn AP (Mỹ) công bố cuối tuần rồi, trong khoảng thời gian từ ngày 19/4 đến 31/5, đã có 1.995 trẻ em bị tách khỏi 1.940 người lớn, những người lớn này đang bị lực lượng biên phòng Mỹ tạm giữ.
Đối mặt với sự phẫn nộ lên tới đỉnh điểm trong tuần rồi về chính sách bị chỉ trích là vô nhân đạo nói trên, nhiều quan chức của chính quyền ông Trump, trong đó có cả tổng thống Mỹ, đã xuất hiện trên truyền thông và phản biện rằng việc chia cắt trẻ em di cư khỏi gia đình là hành động "hợp pháp".
"Tôi ghét việc phải đưa những đứa trẻ đi nhưng Bộ trưởng Tư pháp Sessions chỉ đang thực thi các điều luật đã có từ trước bằng cách thi hành chính sách không khoan nhượng" - ông Trump trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng vào ngày 15/6.
Tuy nhiên, theo luật nhập cư của Mỹ, không có mục nào đặc biệt yêu cầu các gia đình di cư phải chia tách ở biên giới.
Những người nhập cư bị kỳ thị trong 'khu ổ chuột' ở Đan Mạch
Tại những khu bị chính phủ coi là "ổ chuột" ở Đan Mạch, nhiều cư dân, phần lớn là người nhập cư, cảm thấy họ ... |
Người nhập cư không giấy tờ khiến nước Pháp phải cám ơn
Chàng thanh niên 22 tuổi người Mali đã leo lên mặt tiền một tòa nhà chung cư ở Paris để cứu lấy đứa bé bị ... |
Không thể thực hiện 'giấc mơ Mỹ', ông Trump 'đổ' cho Đảng Dân chủ
Theo Tân Hoa xã đưa tin ngày 15/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một tuyên bố trên mạng xã hội rằng không có ... |