Số người nhiễm Covid-19 tăng kỉ lục, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế

Số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt đưa châu Âu vào khủng hoảng y tế lớn nhất trong vòng một thế kỉ. Giới chức và lãnh đạo y tế các nước trong khối đã khơi lên cuộc chiến tranh giành vật tư y tế, đảm bảo nguồn cung chống dịch đang hết sức bức bách.
Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 1.

Các quốc gia châu Âu đang rơi vào cuộc chiến tranh giành nguồn cung y tế để giải quyết tình trạng thiếu hụt vật tư, thiết bị y tế tại đây. (Nguồn: New York Daily News).

Tuy nhiên, khó khăn chồng chất khó khăn, tình trạng lan rộng nhanh chóng của đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn cung vật tư y tế cạn kiệt trên toàn thế giới, dự báo một tương lai u ám cho khu vực tâm chấn dịch mới này.

Để đáp ứng nhu cầu, nhiều biện pháp cấp thiết tạm thời đã được thực hiện, để đảm bảo người bệnh nặng có thể được chữa trị.

Một nhóm lính cứu hỏa và tình nguyện viên đã biến sảnh hội trường trung tâm hội nghị rộng 15.000 mét vuông ở Vienna - Áo, thành một bệnh viện dã chiến 880 giường cho bệnh nhân nhiễm virus Covid-19, chỉ trong cuối tuần trước.

Các binh sĩ ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha cũng đã được triệu tập hỗ trợ xây dựng các cơ sở y tế tạm thời tương tự cho hàng ngàn bệnh nhân tại các quốc gia này.

Hàng chục ngàn y tá, bác sĩ tương lai cũng đang được đẩy nhanh tốt nghiệp, nhân viên y tế đã nghỉ hưu đều được huy động quay trở lại làm việc trên khắp châu Âu.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 2.

Công nhân nhà máy hãng sản xuất mĩ phẩm và nước hoa xa xỉ Christian Dior tại Jean-de-Braye, Pháp, đang tích cực sản xuất nước rửa tay. (Nguồn: AFP).

Chung tay hỗ trợ cho chính phủ, nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi dây chuyền sang sản xuất các vật tư, thiết bị y tế "như dưới thời chiến".

Trong đó, các hãng quần áo Tây Ban Nha đang chuyển sang sản xuất các loại khẩu trang y tế.

 Các hãng nước hoa xa xỉ tại Paris cũng quay sang sản xuất nước khử trùng tay.

Dù vậy, vẫn còn nhiều mạng sống đang đặt trên bàn cân, do sự thiếu hụt quá lớn vật tư, thiết bị y tế tại châu Âu. Bác sĩ tại Ý phải đấu tranh từng ngày để giữ mạng sống của hơn 2.800 người cần chăm sóc đặc biệt, trong khi nguồn cung nhân lực, giường bệnh và thiết bị bảo hộ thiếu nghiêm trọng.

Các chuyên gia cho rằng dù ngay cả hệ thống y tế được chuẩn bị tốt nhất tại châu Âu, cũng có giới hạn của họ.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 3.

Nhà thiết kế người Tây Ban Nha, Tila Ares (phải), đang may mặt nạ thủ công tại xưởng may của cô ở Portonovo. (Nguồn: AFP).

Ông Martin mckee, Giáo sư chuyên ngành Sức khỏe cộng đồng tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), nhận định: "Trong các thời kì hậu chiến, chưa có giai đoạn nào qui mô đến như hiện tại".

"Nhưng các hệ thống y tế dù có khả năng mở rộng và thích nghi, đến một lúc nào đó khi gặp phải biến cố quá lớn, chúng sẽ sụp đổ", ông nói thêm.

Chuyện không của riêng quốc gia châu Âu nào

Dù một số chính phủ đã lên các phương án chuẩn bị đối phó dịch sớm hơn các quốc gia khác, tính đến hiện tại, cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này đã lan rộng ra khắp lục địa.

Ở Vương quốc Anh, một trong những nơi chậm chân trong công cuộc đối phó với dịch, kèm theo các tuyên bố và lời kêu gọi đang gần như trong tuyệt vọng của chính phủ là làn sóng khủng hoảng lan rộng.

Tại Tây Ban Nha, quốc gia trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 chỉ đứng sau Ý tại châu Âu hiện nay, đã thành lập bệnh viện dã chiến khẩn cấp tại một khách sạn 359 phòng vào tuần trước.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 4.

Các tòa nhà với sức chứa lớn đang được Pháp, Tây Ban Nha và Đức trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. (Nguồn: AP).

Giới chức trách Tây Ban Nha cho biết họ đang cố gắng chuyển khoảng 4.000 giường khách sạn thành giường bệnh, và bổ sung thêm 5.500 giường bệnh tại một trung tâm hội nghị khác.

Nhưng trong cuộc đua ứng phó với đại dịch Covid-19, các quốc gia châu Âu đang bắt đầu "kiệt sức".

Tỉ lệ cung ứng giường bệnh cho bệnh nhân cấp tính ở Đức là 6 giường/1.000 người, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Con số này gần gấp ba lần Anh, với tỉ lệ khoảng 2,1 giường/1.000 người, Tây Ban Nha với 24 giường, và gần gấp đôi Pháp với 3,1 giường.  

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 5.

Bảng báo cáo của OECD về tỉ lệ giường cho bệnh nhân khẩn cấp trên 1.000 người của các quốc gia, không tính Trung Quốc và Iran. (Nguồn: OECD).

Số lượng giường chăm sóc bệnh nhân cấp tính theo OECD thống kê tất cả những loại giường được sử dụng cho mục đích chữa bệnh, tuy nhiên không có dữ liệu về số giường  chăm sóc đặc biệt.

Theo chính phủ Đức, hiện cả nước có 28.000 giường chăm sóc đặc biệt, và khoảng 25.000 giường có trang bị máy thở.

Berlin đã thông báo đang đặt mua thêm 10.000 giường bệnh nữa, từ một nhà sản xuất thiết bị y tế của Đức.

Trong khi đó, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết cơ quan này hiện chỉ có 8.000 giường chăm sóc đặc biệt, và sẽ cần thêm từ 20.000-30.000 giường bệnh nữa.

Chính phủ Anh tuần trước đã thúc giục các nhà sản xuất ô tô như Jaguar, cố gắng đẩy nhanh quá trình sản xuất giường bệnh.

Dù vậy, số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân ở nhiều quốc gia, khiến cho nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đang đề nghị trao tiền thưởng cho các bệnh viện, để bổ sung thêm giường bệnh chăm sóc đặc biệt.

Trong lá thư gửi đến toàn bộ các bệnh viện, ông yêu cầu các lãnh đạo bệnh viện "phải giải phóng giường bệnh, bằng cách hoãn các cuộc phẫu thuật không cần thiết ngay bây giờ". 

Ông đã nhấn đậm chữ "ngay bây giờ", để cho thấy sự cấp thiết của nguồn cung giường bệnh tại đây.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 6.

Tình trạng thiếu hụt giường bệnh, thiết bị vật tư y tế lan rộng khắp mọi nơi ở châu Âu. (Nguồn: NY Times).

Reinhard Busse, Trưởng bộ phận Quản lí Chăm sóc sức khỏe tại Đại học Công nghệ Berlin, dự đoán áp lực đè nặng lên hệ thống y tế Đức, sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

"Số bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, dù chúng tôi có nhiều giường hơn các nước khác, chúng tôi vẫn sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt", ông nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng châu Âu vẫn còn "may mắn", do theo đuổi một hệ thống kinh tế tập trung, đề cao xã hội hóa, vì vậy quá trình tái tổ chức sẽ diễn ra dễ dàng hơn, và khả năng thích ứng cũng cao hơn.

Điều này ngược lại với hệ thống y tế phân cấp tại Mỹ, nhiều bệnh viện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thông báo có thể phải đóng cửa, nếu không nhận được cứu trợ tài chính từ chính phủ.

Chính phủ các nước châu Âu đốc thúc tư nhân chung tay dập dịch

Tây Ban Nha và Anh tuyên bố trưng dụng các bệnh viện tư nhân, thỏa thuận này sẽ đem lại cho Anh thêm 8.000 giường bệnh, 1.200 máy thở và hơn 250 giường phẫu thuật và gường chăm sóc đặc biệt.

Quyết định này cũng sẽ bổ sung thêm gần 20.000 nhân viên y tế, bao gồm 10.000 y tá và 700 bác sĩ, sẽ được chú tâm chăm sóc các bệnh nhân nhiễm virus Covid-19.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 7.

Hình ảnh bệnh viện dã chiến được thiết lập tại một trung tâm hội nghị ở Vienna, Áo, để điều trị cho bệnh nhân mắc virus Covid-19. (Nguồn: Washington Post).

Tại Tây Ban Nha, thỏa thuận trưng dụng các bệnh viện tư nhân sẽ giúp hệ thống y tế có thêm 1.172 giường chăm sóc đặc biệt vào số 4.627 giường chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện công, theo Bộ Y tế nước này cho biết.

Pháp hiện chỉ có khoảng 5.000 giường chăm sóc đặc biệt có trang bị máy thở cho 66 triệu dân số. Chính quyền Paris cũng đang cố gắng tìm nguồn cung ứng bổ sung thêm.

"Chỉ riêng việc đảm bảo nguồn cung thiết bị y tế cơ bản như khẩu trang và găng tay, đã là một thách thức lớn rồi", 4.000 nhân viên y tế ở Anh đã gửi thư ngỏ tới Thủ tướng Anh Boris Johnson. Họ nhận định sự thiếu hụt này là "không thể chấp nhận được".

Trước đó, một bác sĩ người Ý bị nhiễm virus covid-19 và tử vong, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông chia sẻ rằng các bác sĩ trong bệnh viện của ông đang phải làm việc mà không có găng tay bảo hộ.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 8.

Các tình nguyện viên đang khiêng một chiếc giường tại Bệnh viện St. Marien cũ ở Laer, Đức, cho một bệnh nhân đang mắc virus covid-19. (Nguồn: Washington Post).

Bộ Nội vụ Pháp đang đề nghị đấu thầu 1,5 triệu lít gel khử trùng tay với giá 15 triệu euro.

Vùng Veneto của Ý, một trong những khu vực bị virus Covid-19 tấn công đầu tiên, cũng công khai đề nghị mua 250.000 lít thứ chất lỏng được săn lùng này, đồng thời 50.000 miếng gạc lấy mẫu xét nghiệm, và nửa triệu khẩu trang y tế.

Luxembourg cũng tuyên bố đang tìm kiếm 61.000 mặt nạ hô hấp trong tình trạng "cực kì khẩn cấp".

Nhiều quốc gia châu Âu chạy sang "cầu cứu" Trung Quốc

Những biện pháp như dưới thời chiến để bù đắp sự thiếu hụt y tế đã củng cố cho tình đoàn kết dân tộc tại các quốc gia châu Âu. Nhưng sự hoảng loạn do tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, cũng dần chia rẽ cư dân của các nước trong khối.

Ý đã lên tiếng phàn nàn rằng các anh em láng giềng của họ hỗ trợ quá chậm, buộc họ phải chạy sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý Luigi Di Maio cho biết: "Ý đang thiếu hàng chục triệu chiếc khẩu trang". 

"Một trăm triệu khẩu trang y tế đang trên đường chuyển đến đây từ Trung Quốc", ông tuyên bố.

"Nếu các quốc gia khác muốn giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến này, chúng ta sẽ luôn luôn chào đón họ. Đất nước ta đang ở trên tuyến đầu của cuộc chiến", ông khẳng định thêm.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 9.

Đức, Ý đổ xô đi mua máy thở cứu hộ khi các nhà sản xuất cảnh báo thiếu hụt nguồn cung. (Nguồn: Reuters).

Các quốc gia Trung Âu và vùng Balkan cũng đã cầu cứu sự giúp đỡ của chính quyền Bắc Kinh.

Ngày 21/3, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã đăng trên trang twitter, thể hiện ông đánh giá cao sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc.

"Gửi lời cảm ơn chân thành đến người anh trai của tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Mãi mãi tình bạn son sắt của chúng ta!", ông viết.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuần trước đã công bố một kho dự trữ y tế chung của châu Âu, bao gồm máy thở, thiết bị bảo họ và các vật tư y tế khác. Bà cũng công khai chỉ trích các lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế trước đây của Pháp và Đức.

Tuy nhiên, sự hợp tác của các quốc gia châu Âu vẫn hiện hữu, các bệnh viện khu vực Alsace (Pháp) đã bắt đầu chuyển một số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch sang bang Baden-Württemberg, Đức để được hỗ trợ.

Phản ứng của châu Âu quá chậm!

Các chuyên gia nhận định dù có chuẩn bị trước tốt đến mức nào, chìa khóa đối phó với các sự kiện y tế thành công là thực thi các biện pháp ngăn chặn ban đầu một cách hiệu quả.

Ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, châu Âu điên cuồng chạy đua vật tư, thiết bị y tế - Ảnh 10.

Dù có chuẩn bị kĩ càng đến mức nào, thì công tác phòng chống dịch bệnh ban đầu vẫn là chìa khóa dập dịch. Nhiều quốc gia châu Âu đã phản ứng chậm trễ. (Nguồn: Vox).

Các nhà dịch tễ học cho biết Đức với tỉ lệ tử vong thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác, có thể là do công tác theo dõi và cô lập các cụm lây nhiễm đầu tiên của chính quyền.

Các cơ quan y tế Áo cho biết những ngày gần đây, họ ghi nhận số ca nhiễm mới giảm dần, quốc gia này đã thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm khắc trước đó.

Trong khi đó, Anh đã quá chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp nghiêm khắc như ở các quốc gia láng giềng.

Một nhóm các nhà khoa học ở Anh báo cáo chỉ cần 2,5 % dân số Anh bị nhiễm virus Covd-19, cũng so thể gây ra tình trạng thiếu hụt giường bệnh ở hầu hết các khu vực ở đây.

Nếu tỉ lệ nhiễm bệnh lên đến 10%, toàn nước Anh sẽ thiếu trầm trọng cơ sở vật chất y tế, theo kết quả nghiên cứu.

Một bác sĩ người Tây Ban Nha, chia sẻ nặc danh với tờ Washington Post, rằng Tây Ban Nha đã lãng phí thời gian quí báu của mình.

"Bệnh viện của tôi giờ trông giống như một bệnh viện thời chiến", ông than thở. "Có vẻ như chúng tôi chẳng tiếp thu được gì từ bài học của Trung Quốc và Ý".