Bà nội cũng có bàn thờ ở trong tim giống mẹ!

Nhân tiết Thanh minh, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, tác giả của những tác phẩm dữ dội như "Bóng đè", "Lam Vỹ" có những góc nhìn đầy cảm xúc khi chị giải thích cho con gái về thế giới bên kia, sự khác biệt giữa phương Đông - phương Tây và mối liên hệ giữa con người với con người.

Lần đầu tiên con gái tôi chứng kiến nghi lễ thờ cúng là năm cháu ba tuổi rưỡi, nhân một trăm ngày ông ngoại. Cháu đã rất băn khoăn tại sao tất cả mọi người phải quỳ trước cái bàn và đọc kinh. Tôi giải thích theo cách cổ tích rằng ông ngoại mất đi hóa thành tiên. Mỗi khi nhớ ông, con cháu đốt nhang và niệm thần chú gọi ông trở về. Vì ông là tiên nên vô hình, chỉ dịp thật đặc biệt mới hiện hình. Ngây thơ cháu hỏi: "Vậy những ngày không ai đốt nhang thì ông ở đâu? Ở đó chắc buồn lắm nhỉ?" Tôi trả lời con mà như nói với chính mình: “Thế nên chúng ta cần thường xuyên đốt nhang con à”.

Ở Mỹ, cháu thỉnh thoảng thắc mắc: "Con chẳng bao giờ thấy mẹ đốt nhang, mẹ không nhớ ông!" Nhiều khi tôi cũng tự hỏi chính mình điều đó, rằng cái bàn thờ và bát bồ hương có thực sự làm việc gắn kết âm dương hay đơn thuần chỉ là hình thức, còn thực tế vẫn ở tấm lòng. Nhưng tấm lòng là thứ vô hình. Dù mẹ tôi bảo: "Người trần mắt thịt có thể không nhìn thấy, nhưng các linh hồn, họ biết hết", tôi vẫn nghĩ tấm lòng cần thể hiện ra bên ngoài một cách cụ thể. Mà việc đầu tiên lại bàn thờ chiếu trải mộ phần sạch thơm.

Tôi nhớ đã ôm con, áp đầu cháu vào ngực mình âu yếm. "Bàn thờ trong tim mẹ, mẹ đốt nhang hàng ngày." Chưa thỏa mãn với câu trả lời, cháu đi lấy một tờ giấy trắng, vẽ mẹ với trái tim rất to rồi đề nghị tôi vẽ tiếp bàn thờ. Dù khả năng hội họa vô cùng hạn chế nhưng bằng cách nào đó, tôi đã vẽ một đài sen bao trùm lên trái tim và giữa đài sen là gương mặt cha tôi. Con bé rất thích, cất kỹ bức tranh vào ngăn kéo chuyên đựng các bí mật của mình.

ba noi cung co ban tho o trong tim giong me
"Dù màu da nào tín ngưỡng tập tục nào thì tình thân gia đình cũng luôn được coi trọng" (Gia đình nhà văn Đỗ Hoàng Diệu tại Mỹ)

Mùa hè hai năm trước, tôi dắt con gái khi đó bảy tuổi đến ăn giỗ mẹ một người bạn ở Hà Nội. Đông người, cỗ to, khá ồn ào. Trên đường về cháu than thở: “Con còn thấy nhức đầu, chắc bà tiên nhà đó khó chịu lắm”. Câu nói của cháu khiến tôi buồn, liên tưởng tới tang ma và hiếu nghĩa của người Mỹ da trắng.

Khi cha mất, mẹ chồng tôi - người con độc nhất suy sụp trầm trọng nhưng đã gượng dậy lo mọi thủ tục hỏa táng. Rồi tận ba tháng sau, cả gia đình mới tụ họp đông đủ dự buổi tưởng niệm đơn giản tại nhà thờ trước khi mang tro cốt của ông rải xuống sông. Quay về nhà, mẹ chồng tôi vừa dạo những khúc dương cầm dịu dàng mà sinh thời, người cha rất thích, vừa ôn lại cuộc đời ông. Lần lượt, con cháu trong nhà kể kỷ niệm của mình với ông, xem các bức ảnh, kỷ vật ông để lại. Có nước mắt và có cả nụ cười. Nghi lễ chỉ bấy nhiêu, sau đó không bàn thờ không giỗ chạp hương khói gì thêm. Nhưng mẹ chồng tôi đã trầm cảm, đã trải qua quãng thời gian khủng khiếp sau mất mát cả năm ròng.

Con gái tôi bảo: “Bà nội cũng có bàn thờ ở trong tim giống mẹ”.

Con rồi sẽ lớn. Đến lúc cháu không còn tin ông ngoại chết đi thành tiên và đốt nhang quỳ lạy ông sẽ trở về. Rồi tôi sẽ phải giải thích về tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, về niềm tin âm - dương giao hòa, về tết thanh minh về rằm tháng bảy... Cháu có thể không hiểu hết, nhưng chẳng sao. Chỉ cần cháu biết và cảm nhận được rằng dù màu da nào tín ngưỡng tập tục nào thì tình thân gia đình cũng luôn được coi trọng, người mất đi vẫn luôn hiện diện trong trái tim người ở lại. Giữa tim mỗi con người có một chiếc bàn thờ. Ai chưa có, kẻ ấy thật đáng thương.

Tháng Ba, tết thanh minh, gọi điện về mẹ tôi khoe đã chuẩn bị đẩy đủ mọi thứ cho ngày tảo mộ. Tôi khuyên mẹ chỉ cần dọn dẹp sạch sẽ, đặt hoa tươi trước bia mộ là đủ, không nên đốt áo quần điện thoại ô tô. Tất nhiên mẹ chẳng nghe, mẹ lo ông bà tổ tiên ở bên kia chịu cảnh đói rét. Cũng có sao, mẹ cứ đốt, miễn điều đó làm mẹ yên lòng. Thờ cúng về cơ bản cũng là để yên lòng người sống mà thôi.

Sau này, khi tôi qua đời, chắc chắn con tôi sẽ không đốt nhang quỳ lạy gọi mẹ trở về. Nhưng tôi tin các con mình sẽ có chiếc bàn thờ vô hình trong tim, như bao người con trên thế gian này.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.