Theo Entrepreneur, hiện nay Jeff Bezos đang giữ vị trí đầu tiên trong danh sách tỉ phú giàu nhất thế giới nhờ Amazon, công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng to lớn của tập đoàn này tới ngành bán lẻ, hành vi mua sắm của người dùng cũng như sản sinh ra nhiều ngành công nghiệp và thị trường mới trị giá hàng tỉ USD như dropship, POD,...
Tuy nhiên, chuyên gia bán lẻ Doug Stephens dự đoán gã khổng lồ này có thể sa sút trong thập kỷ tới, thậm chí phá sản. Trên blog cá nhân của mình, người sáng lập và cố vấn của Retail Prophet từng cố vấn một số thương hiệu được kính trọng nhất thế giới dự đoán "ngày tàn của Amazon".
Stephens viết: “Tôi nghĩ rằng trong 10 năm nữa, Amazon sẽ suy giảm và đây chỉ là một số lý do.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền tảng giao dịch trực tuyến lớn nhất thế giới là cách Amazon đang rập khuôn mô hình tương tự như các công ty khác.
Stephens đưa ra một ví dụ về Walmart: “Từ năm 1962 đến đầu những năm 2000, Walmart từng dẫn đầu lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, đánh bại hàng chục đối thủ lớn nhỏ. Đến năm 2010, Walmart mở 4.393 cửa hàng - một con số đáng kinh ngạc. Trong đó, hơn 3.000 cửa hàng được mở sau năm 1990".
Tuy nhiên, đến năm 2015, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh đã khiến Walmart thất bại trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Stephens cho biết: “Sự suy giảm của gã khổng lồ tưởng chừng bất bại này đã cho thấy ngay cả những công ty lớn nhất cũng có thể sụp đổ chỉ với vài sai lầm nhỏ”.
Chuyên gia Stephen cho rằng việc Bezos có ý định duy trì mô hình hoạt động cũ về lâu dài là điều vô cùng nguy hiểm. “Trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, chúng tôi hiểu rằng khách hàng muốn giá thấp và xu hướng này sẽ còn đúng trong tối thiểu 10 năm tới. Họ muốn giao hàng nhanh chóng cũng như có nhiều lựa chọn", tỉ phú Jeff Bezos tuyên bố trong một bài phỏng vấn trên Business of Fashion.
Tuy nhiên, Stephens tin rằng mọi người không chỉ mua hàng vì muốn sở hữu các sản phẩm càng nhanh càng tốt mà còn muốn có trải nghiệm mua sắm trọn vẹn: ra khỏi nhà, chạm vào sản phẩm, so sánh các mặt hàng, thử những sản phẩm mới hoặc tận hưởng cảm giác hào hứng.
Theo nghĩa này, nhược điểm chí mạng của Amazon nằm ngay ở điểm mạnh lớn nhất: giới hạn trong lĩnh vực mua hàng trực tuyến.
Khi một công ty có người đứng đầu thâu tóm mọi quyền lực như Jeff Bezos, thiếu vắng vị tỉ phú nổi tiếng chỉ trong vài ngày có thể sẽ là vấn đề lớn. Chuyên gia Stephen dự đoán rằng khi Amazon tiếp tục mở rộng, bóng dáng của Bezos có thể dần tiêu tan hoặc biến mất.
Sau đó, công ty rất có khả năng sẽ đánh mất phương châm ban đầu là sự hài lòng của khách hàng, tối ưu hóa các quy trình dựa trên ố liệu và dữ liệu. Ông cũng dự đoán công ty sẽ ít đổi mới hơn.
Stephens lưu ý: “Năng lượng, một khi được hướng đến việc cải thiện hoạt động kinh doanh, sẽ cạn kiệt khi chỉ phục vụ mục tiêu duy trì cơ sở hạ tầng của tổ chức". Một số yếu tố khác dẫn đến khả năng sụp đổ của Amazon như môi trường làm việc có tiếng là độc hại và việc nhiều người bán đang dần chuyển sang các nền tảng giao hàng thân thiện hơn cũng đang là thách thức lớn và sẽ khiến Amazon thua lỗ trong 10 năm tới nếu không được giải quyết triệt để.
Từ câu chuyện bị thay thế của các ông lớn nổi tiếng một thời như Yahoo, Nokia, đã tới thời điểm Amazon nên nhìn nhận lại cơ cấu tổ chức và củng cố mục tiêu mang lại điều kiện tốt hơn cho đối tác, người lao động và khách hàng.