Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I cho hay, tính đến sáng 9/8, bệnh viện có hơn 50 bệnh nhi đang phải nằm điều trị nội trú vì bệnh tay chân miệng.
Con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ dịch bệnh tay chân miệng, bởi khi mắc bệnh này, khoảng 90% bệnh nhi có thể được điều trị ngoại trú.
Đối với bệnh tay chân miệng thì việc phòng ngừa là rất quan trọng.
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi. Ảnh: Hoàng Nam. |
"Phòng ngừa thứ nhất là rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ, thứ 2 là phải cách ly với trường hợp bị bệnh. Em bé nào có đi nhà trẻ mà mắc bệnh là phải ở nhà.
Nếu cha mẹ phát hiện trẻ mắc bệnh tại nhà thì cũng phải báo cô giáo biết để vệ sinh lớp học, xem có em bé nào khác bị lây bệnh hay không?
Người lớn phải rửa sạch tay trước khi tiếp xúc với bé, bởi những trẻ ở nhà không đi nhà trẻ mà mắc bệnh là do người lớn mang mầm bệnh về”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, khi điều trị ngoại trú, cần lưu ý khi trẻ sốt cao quá 2 ngày, sốt cao khó hạ, có hiện tượng nôn ói, giật mình, yếu tay chân, da nổi bông, khó thở, mạch lên nhanh thì phải đưa trẻ nhập viện ngay, vì có thể bệnh đang diễn tiến nặng, xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
Những bé bị biến chứng nặng thường do cơ địa, do chủng virus mắc phải. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi biến chứng sẽ rất nặng.
Khi trẻ bị tay chân miệng không cần bôi bất cứ loại thuốc nào cả, chỉ cần tắm rửa bình thường thì bệnh sẽ tự khỏi.
Riêng với trường hợp bị thương tổn vùng miệng thì có thể dùng một số thuốc rơ lưỡi an toàn. Tuy nhiên, phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ, bởi một số thuốc rơ lưỡi có tác dụng gây tê không tốt cho trẻ, có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần làm gì? Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là căn bệnh thường gặp và dễ lây lan, bùng phát thành dịch. Nếu phát hiện trễ và ... |