Bản đồ quy hoạch Hà Tĩnh mới nhất
Những thông tin chi tiết, hình ảnh bản đồ quy hoạch Hà Tĩnh mới nhất sẽ được cập nhật chính xác và nhanh chóng tới các độc giả và nhà đầu tư quan tâm tới quy hoạch tại 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Giới thiệu về tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam, nằm cách thủ đô Hà Nội 345 km về phía nam. Có vị trí địa lý: Phía bắc giáp tỉnh Nghệ An; phía nam giáp tỉnh Quảng Bình; phía tây giáp Lào; Phía Đông giáp Biển Đông.
Tỉnh Hà Tĩnh được chia làm bốn loại địa hình cơ bản gồm: Vùng núi cao, Vùng trung du và bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng ven biển.
Hà Tĩnh là tuyến giao thông huyết mạch, có đường Quốc lộ 1 đi qua, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc Nam chạy dọc theo hướng Bắc Nam. Ngoài ra, tỉnh còn có đường Quốc lộ 8A chạy sang Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Quốc lộ 12C đi từ cảng Vũng Áng qua Quảng Bình đến cửa khẩu Cha Lo sang Lào và Đông Bắc Thái Lan. Hà Tĩnh còn có 137 km bờ biển với nhiều cảng và cửa sông lớn.
Các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh
Tỉnh Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện với 216 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 phường, 13 thị trấn, và 182 xã.
Trong đó bao gồm thành phố Hà Tĩnh, 2 thị xã Hồng Lĩnh và Kỳ Anh. Bên cạnh đó còn có 10 huyện là: huyện Can Lộc, huyện Cẩm Xuyên, huyện Đức Thọ, huyện Hương Khê, huyện Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, huyện Lộc Hà, huyện Nghi Xuân, huyện Thạch Hà, huyện Vũ Quang.
Chi tiết về bản đồ quy hoạch Hà Tĩnh
Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Hà Tĩnh
Về quy hoạch giao thông, ngày 26/12/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 4226/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về hệ thống đường bộ, tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch như sau:
Trục dọc Bắc - Nam, bao gồm: Đường bộ ven biển; Quốc lộ 1; Tuyến Tùng Ảnh - Khe Gạo; Đường Hồ Chí Minh; Đường bộ cao tốc Bắc Nam và đường tuần tra biên giới.
Trục Ngang Đông Tây: Tuyến Quốc lộ 8, 8B; Tuyến Thạch Hải - Phúc Đồng; Tuyến Cửa Nhượng - Mốc N9; Tuyến Vũng Áng - Mỹ Sơn - Mụ Giạ (Quốc lộ 12C); Tuyến Quốc lộ 15, 15B; Hệ thống đường ngang nối đường Hồ Chí Minh; Trục Đông Tây 1; Trục Đông Tây 2; Trục Đông Tây 3.
Về hệ thống đường bộ nội tỉnh, nhánh đường tỉnh mới 1 (Tỉnh lộ 553 - Tân Ấp): Là nhánh đường tỉnh mới, quy hoạch có điểm đầu từ Tân Ấp và điểm cuối tại điểm giao với Tỉnh lộ 553 tại xã Lộc Yên (huyện Hương Khê), đi theo hướng tuyến của các tuyến đường mòn hiện hữu. Toàn tuyến mới có chiều dài 20km, có quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp IV-V miền núi; đường tỉnh mới 2 (Sơn Kim - Vũ Quang): Là tuyến quy hoạch mới nhằm nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa cũng như rút ngắn khoảng cách từ cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và đường Hồ Chí Minh, điểm đầu tại nút giao của Quốc lộ 8 và đường cứu hộ cứu nạn (Huyện lộ 04A), điểm cuối tại nút giao của đường Hồ Chí Minh và Huyện lộ 07 (Sơn Thọ “Vũ Quang). Hướng tuyến đi theo các tuyến Huyện lộ hiện hữu: Huyện lộ 04, Huyện lộ 04A (huyện Hương Sơn) và Huyện lộ 07 (huyện Vũ Quang). Dự kiến đầu tư nâng cấp, mở rộng thành tuyến đường có quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
Giao thông đô thị: Nâng cấp chất lượng hệ thống đường hiện có, xây dựng các tuyến đường đảm bảo về tỷ lệ và mật độ theo quy định. Đường giao thông nông thôn; Đến năm 2030 nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% mặt đường đến trung tâm xã, đến năm 2050 nâng cấp toàn bộ mạng lưới đường liên xã, đường xã đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn mới, cải tạo hệ thống cầu cống phù hợp với cấp đường.
Về hệ thống đường sắt: Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu đi qua khu vực nghiên cứu. Nâng cấp các ga Yên Trung, Hương Phố thành ga hỗn hợp. Cải thiện điều kiện bốc dỡ hàng hóa. hệ thống kho bãi và giao thông trung chuyển. Nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đi qua vùng. Xây dựng mới tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, tuyến đường sắt Thạch Khê - Vũng Áng.
Hệ thống bến xe, bãi đỗ xe: Việc bố trí các bến xe, bãi đỗ xe phải phù hợp với quy hoạch tổng thể không gian đô thị song phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Vị trí và quy mô của các bến xe, bãi đỗ xe trong phạm vi nghiên cứu tuân thủ theo Quyết định số 2254/QĐ-UBND ngày 12/7/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc quy hoạch chi tiết hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các tuyến vận tải hành khách xe buýt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Tĩnh
Về quy hoạch, ngày 26/12/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 4226/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về mục tiêu quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, của vùng Bắc Trung Bộ, chiến lược phát triển ngành và Quốc gia; Định hướng xây dựng không gian tổng thể trên cơ sở tạo dựng sự liên kết hợp lý, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, hạn chế tối đa các khó khăn, bất cập để phát triển bền vững cho các đô thị; Định hướng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững toàn khu vực.
Về tính chất quy hoạch, là vùng kinh tế tổng hợp, khu vực động lực quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển cảng nước sâu và công nghiệp nặng; Là đầu mối giao lưu phát triển kinh tế, cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy, trao đổi thương mại với các nước Asean, đặc biệt là Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Về quy mô sử dụng đất, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị và các khu động lực phát triển kinh tế là 73.772 ha (trong đó đất xây dựng đô thị là 27.878 ha).
Định hướng đến năm 2030, toàn vùng có tổng số 33 đô thị và được phân bổ trong vùng như sau:
Phát triển 14 đô thị hiện có: Tây Sơn, Phố Châu, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Xuân An, Nghi Xuân, Nghèn, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Thiên Cầm, Vũ Quang, Hương Khê và Kỳ Anh.
Định hướng xây dựng mới 19 đô thị, bao gồm 12 đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm có: Nước Sốt, Nầm, Đức Đồng, Lạc Thiện, Tam Đồng, Xuân Thành, Cương Gián, La Khê, Kỳ Ninh, Kỳ Lâm, Kỳ Phong (Voi), Kỳ Đồng và 07 đô thị định hướng xây dựng mới, gồm có: Lộc Hà, Phù Việt, Đồng Lộc, Phúc Đồng, Hương Trà, Kỳ Trung, Kỳ Xuân.
Về định hướng phát triển hệ thống điểm dân cư nông thôn: Bố trí trên cơ sở định hướng về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng cũng như hiện trạng phân bố dân cư, các điểm dân cư nông thôn kết nối giao thông với các tuyến liên xã, liên vùng đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân theo các tiêu chí nông thôn mới.
Các loại bản đồ quy hoạch Hà Tĩnh
Bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500
Bản đồ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000
Bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000
Cách tra cứu bản đồ quy hoạch Hà Tĩnh
Người dân có thể tra cứu dễ dàng các thông tin về bản đồ quy hoạch tại tỉnh Hà Tĩnh trên internet. Cần lưu ý xem thông tin các trang chính thống có uy tín. Muốn tra cứu bản đồ quy hoạch Hà Tĩnh người dân có thể truy cập Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam hoặc tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh để có thông tin chính xác nhất.
Mong rằng những nội dung nêu trên có thể mang lại nhiều thông tin bổ ích đối với bạn đọc và các nhà đầu tư đang quan tâm đến thị trường bất động sản hay thông tin quy hoạch tại tỉnh Hà Tĩnh.