Ảnh chụp từ website của SCUPS vào chiều 23-9
"Chương trình thử nghiệm"
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đồng ý cho ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo từ xa trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ở mục sau ĐH với Southern California University for Professional Studies (SCUPS, trong văn bản của Bộ GD-ĐT gọi là Trường ĐH chuyên ngành Nam California - Hoa Kỳ) từ năm 1999.
Theo tài liệu Tuổi Trẻ Online có được, khi đồng ý chương trình hợp tác nói trên, Bộ GD-ĐT khuyến cáo: "Chương trình này là chương trình thử nghiệm và đào tạo từ xa, với sự hợp tác của một trường ĐH Hoa Kỳ, nên ĐH Bách khoa Hà Nội phải phối hợp với các cơ quan hữu trách để quản lý tốt chương trình này" - công văn của Bộ GD-ĐT khi đó do một thứ trưởng ký.
Thời điểm Bộ GD-ĐT cho phép SCUPS hợp tác với ĐH Bách khoa Hà Nội - tức năm 1999, trường này chưa được kiểm định chất lượng tại Mỹ. SCUPS (sau này được đổi tên thành California Southern University) được kiểm định lần đầu tiên năm 2010.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT quy định: văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình này đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận, và được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo, hoặc liên kết đào tạo tại VN.
Với quy định như thế, Bộ GD-ĐT từng không công nhận bằng tiến sĩ từ SCUPS của phó hiệu trưởng một trường ĐH. Lý do: bằng đào tạo từ xa, và khi bằng được cấp, trường chưa được kiểm định tại Mỹ.
Vậy tại sao Bộ GD-ĐT lại cho phép ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo với SCUPS, sau đó lại không công nhận văn bằng được cấp của trường này? Tuổi Trẻ đã liên lạc với người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Tránh rủi ro
Ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), người tham gia nghiên cứu và soạn thảo các quy định về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục - cho biết các cơ sở giáo dục ĐH của Hoa Kỳ có sự tách bạch giữa việc được cấp phép hoạt động, cấp bằng với được công nhận về chất lượng đào tạo và bằng cấp.
Nghĩa là, cho phép cấp bằng là thẩm quyền của cơ quan quản lý, nhưng công nhận về chất lượng phải là chứng nhận kiểm định từ các tổ chức kiểm định hợp pháp.
SCUPS được cấp phép đào tạo bởi BPPVE (Bureau for Private Postsecondary and Vocational Education, sau này được đổi tên thành California Bureau for Private Postsecondary Education - BPPE) - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các trường ĐH và cao đẳng tư ở California, nhưng trường không có chứng nhận kiểm định chất lượng nào vào trước thời điểm năm 2010.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia tư vấn về giáo dục ĐH Hoa Kỳ cho biết: "Các trường ĐH của Hoa Kỳ nếu muốn được công nhận về chất lượng đều đặt mục tiêu phải đạt được các chứng nhận kiểm định chất lượng phù hợp. Nếu một trường ĐH không có chứng nhận kiểm định nào là vì trường đó đã không đáp ứng được điều kiện về chất lượng đào tạo".
TS Nguyễn Thị Thanh Phương, nguyên giám đốc Quỹ Giáo dục VN - Hoa Kỳ (VEF), thì nhận định: "Khi liên kết đào tạo với một cơ sở giáo dục Hoa Kỳ, an toàn nhất là phải chọn trường đã được kiểm định để tránh những rủi ro về chất lượng. Những diploma mills (cỗ máy bán bằng) ở Hoa Kỳ phần lớn không được kiểm định, hoặc được kiểm định bởi những tổ chức không có uy tín".
Đã cấp bằng cho 229 người PGS.TS Nguyễn Đắc Trung - viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH, ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin thêm về chương trình hợp tác đào tạo nói trên: ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có nhiệm vụ đưa thông tin tuyển sinh của SCUPS đến các đơn vị, người học và bố trí địa điểm học tập. Toàn bộ quá trình đào tạo - như xét hồ sơ thí sinh, quyết định công nhận học viên, cử giảng viên của SCUPS giảng dạy, nội dung các học phần, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, đánh giá kết quả học tập, đánh giá luận văn, xét tốt nghiệp, cấp bằng... đều do SCUPS đảm nhiệm. ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác với SCUPS tuyển sinh tại VN các khóa 1999, 2000 và 2001. Sau năm 2001, chương trình không còn tuyển sinh nữa. Việc đào tạo kết thúc vào năm 2003. Từ năm 2003 trở đi, ĐH Bách khoa Hà Nội không còn hợp tác với SCUPS. Theo thông tin từ SCUPS, đã có 229 học viên trong chương trình được SCUPS cấp bằng. |