Đoạn đê bị vỡ đến nay ngập trắng, nước dâng cao hơn nửa mét |
Chiều 13.10, toàn bộ 2 km đoạn đê bao sông Bùi 2 ngập trong biển nước mênh mông, không phân biệt được đâu là đồng, đâu là đê. Nước ngập trắng đến nóc nhà, chạm gần đến ngọn hàng cây mọc ven đê.
Chỉ tay về phía cánh đồng trắng băng nước lũ mà trước đó là 2 ao cá hơn 11 ha của gia đình nằm sát ngay cạnh đoạn đê bị vỡ, ông Nguyễn Văn Đề (thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ) cho biết từ chiều 11.10 khi nước dâng mấp mé mặt đê khoảng
10 - 15 cm, gia đình ông đã chắn lưới để bảo vệ ao cá. Rạng sáng 12.10, thấy nước ngoài sông rút dần, rồi nghe tiếng ùng ục rất mạnh, ông đoán ngay đê đã vỡ. “Nước tràn vào quá nhanh, nước trong đồng dâng cao bằng nước ngoài mặt đê, ngập lút 2 ao cá ngót 8 tấn, cá trôi ra sông gần hết. Mất trắng, riêng tiền cá thiệt hại gần 200 triệu đồng”, ông Đề nói.
Có trang trại lợn hơn 100 con và 2.000 con gà cách mặt đê bao Bùi 2 gần 200 m, anh Bạch Văn Mỹ, thôn Yên Trình vẫn chưa hết thẫn thờ về đêm chạy lũ kinh hoàng. Là một trong những người biết thông tin vỡ đê đầu tiên, nhưng anh Mỹ vẫn không cứu kịp đàn lợn, gà vì nước dâng quá nhanh. Buổi tối nước đang mấp mé mắt cá chân thì đến rạng sáng, khi đê vỡ, nước tràn băng băng vào ngập đến rốn, rồi đến cổ.
Thiệt hại nặng nề trong sự cố vỡ đê là xã Hoàng Văn Thụ khi 200 hộ dân bị ngập sâu trong nước... Bên cạnh đó, xã Nam Phương Tiến cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi phần lớn các hộ dân phía đê ngập sâu trong nước.
Chiều 13.10, ông Trần Ngọc Thông, Chánh văn phòng UBND H.Chương Mỹ, nhiều lần khẳng định trong tất cả nội dung báo cáo TP và các sở ngành, thông tin chính thức của UBND huyện là đoạn đê bao bị sạt, tràn, không phải vỡ. “Nếu nói vỡ đê là cả vấn đề nghiêm trọng. Không phải vỡ đê”, ông Thông nói và khẳng định: Nước chảy tràn qua đê nằm trong phương án đã được tính toán, nước lũ dâng cao 7,14 m nên phải để cho tràn giảm áp lực nước cho đê chính.
Đây là vị trí xung yếu, trong quá trình nước lũ dâng cao tạo ra các dòng chảy, xoáy và xói tác động đến mặt bê tông, làm đê mất chịu lực và gãy gần 15 m. Nếu nói đê thủng thì nước đang chảy qua khoảng thủng này, nhưng đến thời điểm này đã đổ đá hộc và cắm cọc cừ ngăn nước.Nếu nói vỡ đê thì nghiêm trọng quá !
Khi PV cho biết đã ngồi trên thuyền đi qua đoạn đê vỡ, ngoại trừ một phần nhỏ khoảng 3 - 4 m được đổ đá hộc và hơn 2 m cắm cọc cừ, đoạn đê còn lại khi cắm sào xuống vẫn sâu 6 m, vậy đê có bị thủng không? Ông Thông vẫn bảo lưu quan điểm đê bị bục ra, có dòng chảy qua và quan điểm là để nước tự chảy.
Đê “vỡ có kế hoạch”
Tại buổi thông tin về công tác ứng phó với mưa lũ chiều 13.10, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai TP.Hà Nội, cho hay đê hữu Bùi đắp cao đến cao trình dương 6,5 m, khi mực nước sông Bùi vượt báo động 3 thì tràn đê. Đêm 11, rạng sáng 12.10, đê tràn khoảng 1 km. Khoảng 6 giờ ngày 12.10, 2 đốt bê tông tại đường gia cố cho dân đi có sạt ở phần chân, với áp lực nước cuốn trôi cả 2 đoạn bê tông dài khoảng 10 m. Trong quá trình tràn, điểm tiếp giáp 2 xã Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ đã xói ở phần chân tràn, đẩy nhanh quá trình chảy nước vào trong phần tràn. “Chúng ta đã chủ động đưa nước vào để đảm bảo an toàn đê tả Bùi, trong quá trình tràn một điểm đê bị mất chân, phá luôn cả điểm đó tràn vào vùng chưa lũ. Dân nhìn vào tưởng là vỡ nhưng thực tế là tràn, chúng tôi nói đó là vỡ có kế hoạch”, ông Thịnh khẳng định. Thu Hằng |
Bão số 11 liên tục đổi hướng, biển động dữ dội
Hồi 4 giờ sáng nay (ngày 14/10), vị trí tâm bão số 11 ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông ... |