Việc 4 người là cán bộ thuộc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm phát triển quĩ đất Thái Bình bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình bắt sau khi điều tra vợ chồng Đường “Nhuệ” phần nào cho thấy những mảng tối trong đấu giá đất ở Thái Bình.
Chiều 16/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu đối với băng nhóm Đường 'Nhuệ' để ra quyết định khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Văn Hiệp (36 tuổi), Vũ Gia Thành (43 tuổi), lần lượt là giám đốc và đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình (thuộc Sở Tư pháp); Hà Văn Dũng (46 tuổi), Trịnh Minh Thúy (50 tuổi) lần lượt là nhân viên và trưởng phòng Trung tâm phát triển quĩ đất và kỹ thuật tài nguyên (bị can Trịnh Minh Thúy là vợ một lãnh đạo H.Kiến Xương, Thái Bình).
Ngày 18/4, theo nguồn tin Thanh Niên, các bị can trên có vai trò chính trong hoạt động đấu giá đất và giám sát đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, trước khi bị bắt, ông Phạm Văn Hiệp lại khẳng định với Thanh Niên là ông không liên quan đến vợ chồng Đường “Nhuệ”.
Thậm chí, ông Hiệp còn nói đã bị băng nhóm Đường “Nhuệ” đe dọa nhiều lần. “Thực ra, tôi không quan tâm đến việc đấu giá. Tôi không phải người địa phương, đây không phải chỗ làm ăn. Tôi dính vào tôi chết. Phải cực kì sạch sẽ mới khống chế được chúng. Chúng rất cay tôi. Nhưng tôi không nghĩ chúng (vợ chồng Đường “Nhuệ”) lại làm mạnh thế. Chúng đe dọa, bắt cóc vợ con, gây sức ép để tôi đi”, ông Hiệp nói.
Một cô giáo tiểu học ở H.Vũ Thư trúng hai lô đất cũng bị người của Đường đe dọa, sợ không dám về. Chúng tôi phải nhờ Công an H.Vũ Thư về tăng cường an ninh
Lãnh đạo xã Song An (H.Vũ Thư, Thái Bình)
Ngoài ra, ông Hiệp cũng nói vanh vách về thủ đoạn thao túng việc đấu giá đất của băng nhóm Đường “Nhuệ”: “Đường “Nhuệ” tổ chức đấu giá “chui”, nhờ người khác đứng tên, không thông báo đấu giá, mua hóa đơn đài phát sóng. Thông báo ở loa phát thanh thì quần chúng nắm được không. Thông báo công khai thì xã ăn gì”.
Ông Hiệp nói rằng băng nhóm của Đường “Nhuệ” làm “chui” thì sẽ không mất tiền đàm phán với những người, tổ chức muốn tham gia đấu giá, nguồn lợi thu được là rất lớn. “Dân đến mua hồ sơ nó không bán rồi kêu đàn em đàn áp. Các huyện làm nhiều lắm, bán chui hết rồi”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin của Thanh Niên cho thấy, khi ông Phạm Văn Hiệp về Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình, nhóm của Đường “Nhuệ” đã tiếp cận, đe dọa, lôi kéo khiến ông Hiệp phải hợp tác trong việc đấu giá đất.
Tuy nhiên, cũng theo nhiều nguồn tin khác, trong quá trình hợp tác với nhóm của Đường “Nhuệ”, ông Hiệp thấy hoạt động của băng nhóm này sẽ gây ra nhiều hệ lụy, nên ông đã rút lui. Sau khi cắt đứt quan hệ làm ăn, ông Hiệp bị Đường “Nhuệ” đe dọa.
Để làm rõ về việc liên quan của bị can Phạm Văn Hiệp với băng nhóm Đường “Nhuệ”, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình nhưng công an tỉnh cho biết vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thêm thông tin.
Trên thực tế, những hoạt động đấu giá của băng nhóm Đường “Nhuệ” có nhiều dấu hiệu bất minh. Tại một số huyện Đông Hưng, Kiến Xương..., nhiều lần vợ chồng Đường “Nhuệ” trúng hầu hết các lô đất được đưa ra đấu giá. Nhiều lô đất trong đó có giá rất sát với giá khởi điểm.
Ví dụ, ở xã Lô Giang (H.Đông Hưng), năm 2019, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường “Nhuệ”) đứng tên đấu trúng 6 lô đất có giá chỉ cao hơn giá khởi điểm từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/m2. Giá trúng này của Nguyễn Thị Dương cũng thấp hơn giá những người khác đưa ra.
Hay như ở xã Đông Phương (H.Đông Hưng), năm 2018, Nguyễn Thị Dương đứng tên đấu giá trúng trọn gói 20 lô đất (tổng diện tích hơn 4.344 m2) với giá cao hơn giá khởi điểm cho 20 lô có 9,9 triệu đồng.
Đáng chú ý, cũng ở xã Đông Phương, năm 2018, Dương trúng đấu giá nhiều lô đất (mỗi lô 215 m2) với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 10.000 đồng/m2. Cụ thể, giá khởi điểm là 1,5 triệu đồng/m2, nhưng Dương trúng với giá 1,51 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, mỗi khi tham gia đấu giá xong mà không “vừa ý”, băng nhóm Đường “Nhuệ” thường có hành vi côn đồ với người đấu giá trúng. Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo xã Song An (H.Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, tháng 7/2018, xã có 44 lô đất đưa ra đấu giá. Nguyễn Thị Dương tham gia cả 44 lô. “Khi về đấu giá, Dương - Đường đi cùng nhiều thanh niên xăm trổ hung hãn”, lãnh đạo xã Song An nói.
Tại cuộc đấu giá này, Nguyễn Thị Dương trúng 8 lô. Đến thời điểm hiện tại mới nộp tiền 4 lô. “Sau khi đấu giá xong, người của Đường “Nhuệ” uy hiếp, đuổi đánh đôi vợ chồng ngụ TP.Thái Bình, khiến hai người này phải vào ủy ban xã trú chân. Một cô giáo tiểu học ở H.Vũ Thư trúng hai lô đất cũng bị người của Đường đe dọa, sợ không dám về. Chúng tôi phải nhờ Công an H.Vũ Thư về tăng cường an ninh”, lãnh đạo xã Song An kể.
Nhiều lãnh đạo trung tâm phát triển quĩ đất cấp huyện đều than phiền rằng sau khi trúng đấu giá, vợ chồng Đường “Nhuệ” đều chây ì việc nộp tiền. “Chúng tôi nhiều lần gọi vợ chồng họ lên đóng tiền nhưng không được. Trước đây, qui định cũ không hạn chế thời hạn đóng tiền. Đến khi Quyết định 06 về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình có hiệu lực vào tháng 6/2019, thì đã qui định thời hạn đóng tiền sau khi đấu giá là một tháng”, một lãnh đạo xã ở H.Vũ Thư cho biết.
Việc trúng đấu giá xong rồi chậm trễ đóng tiền của vợ chồng Đường - Dương diễn ra nhiều lần và ở nhiều nơi tại Thái Bình. “Nếu bán được đất thì họ đóng, không bán được thì họ cứ để đấy, thậm chí tự xin hủy kết quả đấu giá”, một giám đốc trung tâm phát triển quĩ đất cấp huyện chia sẻ.
Trên thực tế, trong quá trình tìm hiểu về việc đấu giá đất đai của băng nhóm Đường “Nhuệ”, PV ghi nhận nhiều khu đất dù đã được đấu giá nhiều năm, nhưng chưa có người đến xây dựng.
Theo lãnh đạo một trung tâm phát triển quĩ đất cấp huyện ở Thái Bình, kế hoạch đấu giá đất sẽ do xã làm tờ trình lên huyện và tỉnh phê duyệt. Việc đấu giá đất nhằm phục vụ nhu cầu giãn dân và tạo nguồn thu cho xây dựng cơ bản tại địa phương.
Thế nhưng, với thực tại đấu giá đất tại Thái Bình, rất nhiều người dân có nhu cầu thực tế, cần đất để xây nhà ở chưa thể tiếp cận được những phiên đấu giá đã có “bàn tay ma” của băng nhóm Đường “Nhuệ”.