'Bảo mẫu' đánh đập trẻ dã man trong lúc cho ăn |
Bảo mẫu của xóm nhà nghèo
Từ 1,5 triệu- 1,9 triệu/cháu/1 tháng, lúc phụ huynh tới trao tay thì tiếp đón ân cần, giả vờ giả vịt tử tế, phụ huynh vừa đi, là quay ngoắt thái độ, sử dụng bạo lực như những kẻ mất trí. Họ coi những đứa trẻ như những con vật, để có thể quăng đứa trẻ lăn tuột trên sàn nhà khi tắm, để có thể nhồi cháo vào miệng trẻ giống như người ta nhồi bánh đúc vào miệng một con ngan?
Bảo mẫu liên tiếp đánh vào đầu, nhồi cháo ngay cả khi trẻ đang nôn trớ. Giải thích điều này như nào nếu không là sự bạo hành một đứa trẻ chưa nói sõi?! (Ảnh: Trần Duy) |
Những bà bảo mẫu đó không phải là giáo viên mầm non chuyên nghiệp, họ chỉ là những người nội trợ, ở nhà và nhận trông trẻ để kiếm thêm tiền. Không chuyên môn, và hoàn toàn bị chi phối bởi bản năng, họ buộc phải dùng các biện pháp bạo lực để ép buộc trẻ nghe lời, và để mọi chuyện được giải quyết cho nhanh. Miễn sao đến cuối giờ, khi bố mẹ đứa trẻ tới đón, hài lòng khi thấy người con cái được tắm thơm tho, bụng tròn căng. Trong clip, khuôn mặt họ rất thản nhiên, họ tỉnh bơ đến tàn nhẫn khi liên tiếp ấn đầu, nhét cháo vào miệng trẻ cho dù cháo vẫn đang trào ra. Họ thừa biết, nếu bắt họ ăn như vậy, họ cũng không thể. Lúc đó - họ như đang lên cơn đọa đầy, bằng mọi giá phải chiến thắng đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi.
9 đứa trẻ từ 6 tháng tới 2 tuổi đều chưa biết nói, hoặc nói chưa rõ. Chúng có nỗi sợ hãi, mà nỗi sợ ấy, không thể nói cho bố mẹ hay biết, không thể giải thích được rằng tại sao chúng không thích đến lớp. Hành hạ những đứa trẻ chưa biết nói, buộc chúng khiếp sợ mà nghe lời.
Bố mẹ cũng là những người nghèo!
Họ là những người nghèo, có thu nhập thấp. Tất nhiên rồi. Ai lại muốn gửi con vào cái nơi trường không ra trường, lớp không ra lớp, mọi thứ chỉ là tạm bợ thế kia. Số tiền hàng tháng đóng cho hai bà bảo mẫu từ 1.5 triệu tới 1.9 triệu đồng, nhưng đổi lại, họ có thể đón con muộn vì còn phải đi làm.
Có cha mẹ nào muốn gửi con khi còn mấy tháng, còn chưa đến độ tuổi đi học nếu không vì kế sinh nhai? Nếu gửi con ở trường công, thường phải đón con rất sớm. Điều đó là không thể với những người công nhân bươn trải và ngay cả công chức nhà nước. Nếu gửi thêm giờ, từ 5 giờ trở đi, sẽ tính giá tiền riêng khoảng 30 nghìn – 60 nghìn/giờ trông thêm con. Như vậy, mỗi tháng, cha mẹ sẽ phải thêm một khoản tiền trông con ngoài giờ do không thể thu xếp đón con sớm. Đây là khoản tiền không nhỏ với những gia đình đang còn vất vả khó khăn về kinh tế.
Những gương mặt phụ huynh hoang mang, khắc khoải, khi thấy cảnh con bị hai bà bảo mẫu đánh đập túm tóc, lấy thước quất thẳng vào đầu trẻ. Họ đau, vì lòng tin vào sự tử tế của bảo mẫu. Nào đâu biết đó là những người tàn nhẫn. Họ đau, nhưng họ đầy cam chịu cũng bởi cái nghèo đang làm khó cho họ.
Tại sao những đứa trẻ này không học trường công?
Một câu hỏi đặt ra, tại sao con em họ không được gửi ở trường công? Hộ khẩu +thời gian đón+ quá tải ở các lớp trường công đã khiến cho con em những người nghèo không thể có cơ hội được học ở đó một cách tử tế.
Với những yếu tố về hộ khẩu, quả thật khó khăn cho những người dân ở nơi xa đến chỉ tạm trú ở địa phương. Việc xin vào trường công cho các cháu là một điều gần như không thể bởi các trường phải ưu tiên cho việc tuyển đúng tuyến. Việc tiếp theo, do cơ chế tuyển sinh ở trường mầm non công lập theo từng độ tuổi, thường là rót từ trên xuống, tức là ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, tuyển đủ mới tới trẻ 4 tuổi, 3 tuổi, và thấp hơn là hầu như không thể có.
Phụ huynh có con từ 2 tuổi thường phải tự thân vận động. Do khó khăn về kinh tế, nếu không tìm được chỗ gửi trẻ ở cơ sở tư thục như ý, sẽ buộc phải nhắm mắt đưa chân, gửi con vào một nhóm trẻ gia đình để cha mẹ còn đi làm.
Bảo mẫu rất bình thản: "Tôi sẽ làm việc khác!" |
Tại sao các trường mầm non công lập không thể nhận trẻ dưới 18 tháng cho dù đã có Điều lệ trường Mầm non do Bộ GD-ĐT quy định? “Đối với trẻ từ 3 tháng tới 6 tuổi, nếu không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm, được nhận vào các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp học mẫu giáo độc lập”. Như vậy, về nguyên tắc, các trường, lớp mầm non phải có nghĩa vụ nhận các cháu ở độ tuổi như trên”.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, nhiều nội dung chất vất của ĐBQH liên quan đến cấp học mầm non đã được Bộ GD-ĐT giải đáp và khẳng định, sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp để trường mầm non tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên, thực tế ra sao? Ngay cả ở các thành phố trung tâm, các trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ để tiếp nhận, chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi là quá ít. Bộ Giáo dục chưa thể đủ điều kiện để giải quyết được vấn đề này, và trong khi chờ đợi giải pháp, Bộ đành chỉ biết chỉ đạo các Sở GD-ĐT tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi nhỏ, để các bậc phụ huynh có thể lựa chọn hình thức nuôi dạy con tại gia đình, góp phần giảm tải cho nhà trường.
Phải chăng, đó cũng là một phần nguyên nhân để các cơ sở chăm nuôi trẻ nhỏ không có giấy phép, không đủ điều kiện chất lượng ra đời, dẫn tới việc bạo hành các cháu một cách thản nhiên như các vụ bảo hành trẻ mầm non liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua?
Chẳng lẽ chúng ta lúc nào cũng phải sống trong lo lắng?
Không thể đổ lỗi cho cái nghèo gây nên việc này, bởi ở một số trường “tử tế”, tiền học cao, chất lượng cao, nhưng vẫn thi thoảng “lọt sàng” những ca cô giáo, bảo mẫm mầm non “bệnh hoạn”. Nhưng rõ ràng, nghèo, sẽ thua thiệt! Và tóm lại, đến bao giờ, chúng ta sẽ không phải chứng kiến những cảnh giật tóc, trói trẻ, cắm đầu trẻ xuống thùng nước, “tọng” thức ăn vào miệng trẻ một cách dã man, khiến trẻ tổn thương cả thân thể lẫn tâm hồn? Đến bao giờ, chúng ta không phải chứng kiến những gương mặt của ông bố bà mẹ thảng thốt khi thấy con mình là nạn nhân của bạo hành?
Đến bao giờ những đứa trẻ không phải co quắp, bám chặt tay mẹ, nói không ra hơi và đêm về hoảng loạn, sợ hãi - nơi không hề trú ngụ một chút tình thương yêu - mà chỉ đơn thuần là nơi kiếm tiền của một số bảo mẫu vô lương tâm?
Hôm nay là ngày Quốc tế hạnh phúc, nhưng tôi muốn tự hỏi: “Bao giờ, mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui? Bao giờ, và bao giờ?”
Bảo mẫu sau khi ký biên bản, đã được tại ngoại. (Ảnh: Vnexpress) |
Thời gian có thể trôi đi, các bà bảo mẫu sau khi bị xử phạt hành chính, và mấy trường hợp đi tù, rồi cũng sẽ được thả. Có gì đảm bảo được lại không có nhiều bà bảo mẫu ác như vậy ở những nơi nghèo khó vất vả hay không? Ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho những đứa trẻ gửi ở những cơ sở tư nhân tự phát như vậy? Bao giờ chúng được quyền được học ở những nơi có nhà nước bảo trợ để phụ huynh không phải nhấp nhổm lo lắng? Khi nào các cô giáo được đáp ứng tốt về điều kiện sống, để họ không bị áp lực gì chi phối, toàn tâm, toàn ý với trẻ!
Liệu có không, hay chỉ là giấc mơ còn xa?
Cách chọn trường mầm non cho con và phát hiện con bị bạo hành |