Sau khi cơn bão số 10 đi qua, hàng trăm hộ dân làng chài ven biển Hà Tĩnh rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Dọc con đường dẫn vào thôn Nam Hải, Bắc Hải…chỉ toàn gạch đá, mái ngói vỡ vụn, đồ dùng sinh hoạt nằm ngổn ngang.
Một ngày nắng đẹp, biển lặng sau cơn bão Doksuri, thay vì đi biển hay ra chợ buôn bán hải sản, người dân làng chài lại tất bật dọn dẹp nhà cửa sau bão. Chứng kiến sức tàn phá của cơn bão số 10, hàng trăm hộ dân nơi đây như chết lặng, họ ngao ngán, cố moi mót những gì còn sót lại trong đống gạch vụn ngấm đầy nước.
Bà Hoàng Thị Hường (80 tuổi) thôn Bắc Hải đang dọn dẹp đống gạch đổ sau trận bão. Ảnh Hoài Nam |
Đã 80 năm sống và gắn bó với biển cả, dù hàng năm phải chịu nhiều trận bão, nhưng theo bà Hoàng Thị Hường (80 tuổi) thôn Bắc Hải, xã Cẩm Nhượng thì chưa bao giờ có cơn bão nào mạnh như vậy.
“Bão cuốn đi hết rồi cháu ơi, nhà cửa, đồ dùng mất hết không còn thứ gì, gạo cũng không còn mà ăn nữa. 80 năm rồi, bão cũng hứng chịu nhiều nhưng chưa bao giờ có trận bão nào kinh khủng như thế này cả”, bà Hường kể lại.
Đang cùng con cháu dọn dẹp lại căn nhà bị sập, bà Hường cho biết, trước khi bão vào, bà cùng con cháu và tất cả người dân vùng này được sơ tán lên trường THPT Cẩm Xuyên tránh bão.
“Ở nơi di trú, nghe từng đợt gió rít lúc bão vào, mà tôi không thể nào ngủ được. Khi bão tan chúng tôi bắt xe về nhà, nhìn thấy nước vẫn còn ngập, xung quanh tan nát như bãi chiến tranh. Lúc đó ai cũng hét và khóc to bởi tài sản đã bị cuốn đi mất hết, nay gạo cũng hỏng, chỉ ăn mì tôm sống ăn qua ngày”, bà Hường thẫn thờ nói
Cơn bão đi qua khiến nhiều ngôi nhà của ngư dân làng ven biển bị tốc mái, sụp đổ. Ảnh Hoài Nam |
Nhiều năm lặn lội đeo bám nghề biển, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Vân (46 tuổi) thôn Nam Hải, xã Cẩm Nhượng đã tích góp xây dựng được căn nhà cấp 4. Nhưng sau trận bão đi qua, tài sản tích góp của hai vợ chồng đã mất sạch.
Ngồi thần thờ trong căn nhà cấp 4 không mái lợp, anh Vân nhớ lại giây phút kinh hoàng. “Ngày hôm đó, vợ và các con tôi được đưa đi tránh bão, còn tôi ở nhà trông coi nhà cửa cùng thuyền.
Khoảng từ 10h ngày 15/9, gió đã quật mạnh, rít từng cơn, mái tôn bị gió cuốn phăng. Do quá sợ nên tôi chạy sang chỗ nhà khác để trú, đến khoảng 16h tôi chạy về nhà thì chỉ còn lại đống gạch vụn, gạo cũng ướt không có cơm để ăn suốt hai ngày nay, vợ chồng tôi chỉ ăn mì tôm tạm. Nhớ cơm, thèm rau. Nhưng chiếc bếp gas đã bẹp dí dưới đống gạch vụn”, anh Vân nghẹn ngào nói.
Số tài sản còn sót lại của gia đình ôngTrần Văn Công (73 tuổi) sau trận bão. Ảnh Hoài Nam |
Cách đó không xa, vợ chồng ông Trần Văn Công (73 tuổi) cũng đang khiêng từng viên gạch ngói vỡ gom lại một chỗ, tìm mót những tài sản vẫn còn sót lại.
“Còn nhà nữa đâu, bão làm sập mất ngôi nhà, đêm qua vợ chồng tôi phải ngủ nhờ hàng xóm, thức đến 3h vẫn chưa chợp mắt. Bao năm buôn bán cá, dành dụm xây được căn nhà 100 m2 làm chỗ đoàn viên cho bốn đứa con sinh sống trong Nam mỗi khi Tết đến, giờ tay trắng, giờ tiền không có cũng phải vay mượn để dựng căn nhà tạm mà ở thôi”, ông Công nói.
Cơn bão số 10 càn quét còn khiến nhiều diện tích hoa màu, cây cối, nhà ở, cột điện... trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị hư hại nặng.
Theo thống kê từ UBND xã Cẩm Nhượng, cơn bão số 10 khiến 42 ngôi nhà bị sập, 1.500 ngôi nhà bị tốc mái, 750 m đường giao thông sạt lở, cuốn trôi …thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Toàn xã có 3 thôn Nam Hải, Bắc Hải và chợ Gò là chịu thiệt hại nhất.
Bão đi qua, người dân nuốt nước mắt nhìn hàng vạn quả bưởi Phúc Trạch rụng tả tơi Cơn bão đi qua đã làm hàng trăm gốc cây gió trầm bị bật gốc, cùng 400ha bưởi Phúc Trạch đến kỳ thu hoạch bị ... |