Chiều 4/9, Cục Quản lí thị trường (QLTT) Hải Dương phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đối với công ty TNHH may Đăng Linh HD, có địa chỉ tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, do ông Nguyễn Văn Chính làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đang sản xuất, may gia công và kinh doanh quần áo các loại.
Trong cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 6.500 áo phông cộc tay nam đã may hoàn chính có in hình kèm nhãn hiệu các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Adidas, Nike, Gucci và Lacoste.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng tìm thấy hơn 2.000 mảnh vải đã được cắt thành khuôn (bán thành phẩm), đã in sẵn các thương hiệu trên. Cùng với đó là 11 kg cúc áo, 81 kg chỉ may các loại, 4 kg bao bì túi nilông, 4 chiếc máy may áo.
Theo Cục QLTT Hải Dương, tất cả các sản phẩm thành phẩm và bán thành phẩm trên đều có dấu hiệu giả mạo, nhái thương hiệu.
Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Toàn bộ số hàng hoá trên, cùng công cụ, nguyên liệu có dấu hiệu vi phạm đã được tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lí theo qui định của pháp luật.
Liên quan đến tình trạng nhái thương hiệu thời trang, cuối tháng 8 vừa qua, Cục QLTT Nghệ An cũng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 930 cái áo phông có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng Chanel đã được bảo hộ.
Tại thời điểm khám toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ liên quan kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Cục QLTT Nghệ An cũng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để liên hệ chủ thể quyền xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lí theo qui định.
Từ đầu tháng 6, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được phê chuẩn, mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với hàng hoá châu Âu, với giá cả phải chăng hơn.
Hàng hoá châu Âu xuất khẩu vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay đối với 48,5% số dòng thuế, và sau 7 năm sẽ xóa bỏ đến 91,8% số dòng thuế.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua vấn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả các thương hiệu của châu Âu vẫn diễn ra hết sức phức tạp và tinh vi.
Thực trạng đã đặt ra vấn đề cấp bách cho cơ quan thực thi tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng để bảo vệ doanh nghiệp phân phối, kinh doanh chân chính và tạo niềm tin cho người tiêu dùng Việt.