Bất ngờ tại phiên xử cướp đò trên sông Ka Long

Bị cáo kêu oan, nhân chứng khai bị ép cung nên đã đổ tội oan cho bị cáo, luật sư thì đề nghị khởi tố việc làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Chiều 16/4, kết thúc ngày đầu xét xử đối với Bùi Mạnh Giáp (36 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội), bị cáo buộc chỉ đạo vụ cướp đò trên sông Ka Long. Theo đó, các luật sư (LS) đề nghị TAND TP Móng Cái khởi tố các vụ án xâm phạm trật tự tư pháp. Sau một ngày xét xử, phiên tòa ghi nhận nhiều diễn biến bất ngờ.

Bị cáo, nhân chứng cùng kêu oan

Đại diện VKS công bố bản cáo trạng cho rằng bị cáo Giáp đã chỉ đạo nhóm cửu vạn (gồm 10 người) dưới quyền thực hiện vụ cướp đò chở hàng điện tử của bị hại Tống Ân Hoa (người Trung Quốc) rạng sáng 16/12/2012.

Nhưng Giáp cho rằng cáo trạng truy tố không đúng bởi bị cáo không chỉ đạo và nhóm cửu vạn dưới quyền của bị cáo cũng không đi cướp. Giáp khai tối 15/12/2012, nhóm cửu vạn của Giáp đi làm cùng nhóm cửu vạn của Vũ Đình Trưởng ở khu Gốc Đa bên Trung Quốc (đối diện bến Z1). Nửa đêm, cả nhóm về nhà trọ thì Trưởng báo có một container hàng ở khu vực Cổ Ngỗng, bảo Giáp cho người cùng với nhóm Trưởng đi bốc hàng. Giáp nói nhóm cửu vạn của mình đi rồi đi ăn đêm cùng Trưởng.

Nhân chứng Nguyễn Quốc Cường (người trong nhóm cửu vạn, đã chấp hành xong bản án sáu năm tù) khai khi nhóm của anh đi theo đồi Cổ Ngỗng về thì gặp biên phòng mời về làm việc. Hôm sau, cán bộ biên phòng mang hàng với xe máy về rồi đánh, ép phải ký biên bản phạm tội quả tang về tội cướp. Cường nói đã bị cán bộ biên phòng đánh, giờ gặp vẫn có thể nhận ra. Khi bị chuyển về Công an TP Móng Cái thì Cường tiếp tục bị một kiểm sát viên đánh.

Cường khai: Tại phiên tòa phúc thẩm, năm người trong nhóm cửu vạn đã nhận tội và khai Giáp chỉ đạo là do trước ngày xử, cán bộ trại nói nhận tội thì sẽ được giảm án. “Tôi mong phiên tòa này hãy trả tự do cho anh Giáp và minh oan cho chúng tôi để chúng tôi có niềm tin vào pháp luật” - Cường nói.

Nhân chứng Nguyễn Ngọc Tùng (cũng đã chấp hành xong bản án bốn năm tù) cũng khai khi bị bắt về đồn biên phòng đã bị đánh, bị ép ký biên bản phạm tội quả tang nhận tội cướp. Các nhân chứng khác là những cửu vạn cùng đi chờ bốc hàng cũng khai là Giáp chỉ đạo họ đi bốc hàng chứ không đi cướp.

Bất ngờ tại phiên xử cướp đò trên sông Ka Long - Ảnh 1.

Bị cáo Bùi Mạnh Giáp tại tòa. (Ảnh: ĐH).

Nhiều điểm chưa rõ?

Trong phần xét hỏi, nhân chứng Nguyễn Ngọc Tùng còn cho rằng biên bản phạm tội quả tang bị ép ký sau khi bị đưa về đồn biên phòng 2-3 ngày. Khi bị ép ký biên bản phạm tội quả tang, các bị cáo không hề gặp bị hại Tống Ân Hoa. LS bào chữa cho bị cáo Giáp cho rằng biên bản phạm tội quả tang thì tất cả người ký phải cùng có mặt nên đề nghị tòa làm sáng tỏ vấn đề này.

LS cho rằng biên bản phạm tội quả tang ghi lập lúc 3h nhưng đến sáng 16/12/2012, bị hại mới có đơn trình báo bị cướp. Hơn nữa, hồ sơ thể hiện bị hại không biết chữ, cán bộ biên phòng viết hộ đơn trình báo. Nhưng trong bản tự khai bằng tiếng Hoa của ông Tống Ân Hoa lại thể hiện bị hại có biết tiếng Trung Quốc. Như vậy, đơn trình báo do biên phòng viết hộ không có giá trị và bản tự khai tiếng Trung dịch sang tiếng Việt được lập không đúng quy định.

LS cũng chỉ ra rằng lời khai của bị hại có nhiều mâu thuẫn, lúc khai có 10 người xuống đò, 5-6 người khống chế, lúc thì khai có 5-6 người xuống đò, có một người khống chế. Vì vậy, cần triệu tập bị hại tới tòa để làm rõ. Ngoài ra, hồ sơ vụ án thiếu một số bút lục là các tài liệu lập tại đồn biên phòng ngày 16 và 17/12/2012 thể hiện nhóm cửu vạn không nhận tội. Các LS đề nghị tòa khởi tố các vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án và dùng nhục hình đối với các nhân chứng tại phiên tòa.

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 04/2018, hồ sơ vụ án phải là bản chính nhưng phiên tòa xử bị cáo Giáp lại sử dụng hồ sơ sao lưu có đóng dấu sao lưu là trái luật. LS đề nghị dừng phiên tòa để lấy hồ sơ gốc về xét xử. Đáp lại, đại diện VKS và HĐXX lý giải việc sử dụng hồ sơ lưu là do việc tách vụ án, hồ sơ chính nằm ở TAND tỉnh Quảng Ninh, cơ quan tố tụng TP Móng Cái phải sử dụng hồ sơ sao lưu.

Sau đó, chủ tọa phiên tòa không chấp nhận đề nghị khởi tố các vụ án xâm phạm trật tự tư pháp của các LS. Chủ tọa chỉ hướng dẫn các nhân chứng nếu có việc bức cung thì làm đơn trình báo.

Hôm nay, phiên xử tiếp tục.


Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, năm 2011, Bùi Mạnh Giáp tập hợp 10 người làm cửu vạn bốc hàng thuê ở vùng biên. Đêm 16/12/2012, sau khi đi bốc hàng ở bờ sông Ka Long về phòng trọ, cửu vạn Cường kể với Giáp thấy đò chở hàng điện tử máy vi tính cũ và Giáp chỉ đạo cả nhóm đi cướp. Bùi Văn Lâm, Lê Đình Đáng, Nguyễn Ngọc Tùng, Hồ Văn Trung cùng Cường xuống đò cướp hàng, năm cửu vạn khác ở trên bờ cảnh giới.

Nhóm Cường lấy ba bao hàng máy tính cũ trị giá 3,5 triệu đồng đưa lên bờ thì bị biên phòng phát hiện, bắt quả tang. Công an TP Móng Cái căn cứ lời khai của năm người bị bắt để bắt Giáp và khởi tố sáu người về tội cướp tài sản. Tháng 12/2012, vụ án được chuyển lên Công an tỉnh Quảng Ninh nhưng một năm sau, nơi đây chuyển ngược vụ án về lại. Đầu năm 2014, công an tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với Giáp, chỉ truy tố Lâm, Đáng, Tùng, Trung và Cường.

Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 6/2014, cả năm bị cáo không nhận tội và tòa tuyên Cường 10 năm tù; Lâm, Đáng, Tùng, Trung cùng chín năm tù. Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo lại nhận tội và khai Giáp là người chỉ đạo cướp nên Cường được giảm án còn sáu năm tù, bốn bị cáo còn lại cùng bị phạt năm năm tù.

Tháng 10/2014, Công an TP Móng Cái phục hồi điều tra đối với Giáp theo lời khai trên. Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2015, Giáp kêu oan; Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung (đang thi hành án) ra tòa làm chứng cũng kêu oan cho Giáp. Giáp bị tòa phạt bảy năm tù nhưng sau đó TAND tỉnh hủy án. Cuối năm 2016, Giáp được cho tại ngoại nhưng tháng 10/2018 lại bị bắt tạm giam để điều tra…

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.