Viễn cảnh về một loại vắc xin che chở cho người Mỹ khỏi bị nhiễm Covid-19 đã trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tổng thống Trump cáo buộc Đảng Dân chủ vì mục đích chính trị nên đã cố tình "miệt thị" loại vắc xin mà ông tuyên bố sẽ có sẵn trước ngày bầu cử 3/11/2020.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 7/9, ông Trump cam kết: "Đảng Dân chủ nói rằng vắc xin Covid-19 rất nguy hiểm đối với nước Mỹ, nhưng nó sẽ rất an toàn và công hiệu".
Một ngày trước đó, ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố bà sẽ "không tin lời Trump" về vắc xin Covid-19: "Tôi sẽ tin vào lời các chuyên gia y tế và nhà khoa học chứ không phải phát ngôn của Donald Trump".
Theo tờ AP, lời chỉ trích Tổng thống Trump của ông Biden còn đanh thép hơn bình luận của bà Harris: "Trump đã nói rất nhiều điều không đúng sự thật, tôi lo rằng dù chúng ta có một loại vắc xin thực sự tốt thì mọi người vẫn sẽ không sẵn lòng sử dụng nó".
"Ông ta đang làm suy yếu niềm tin của công chúng", ông Biden nói thêm.
Tuy nhiên, ông Biden vẫn khẳng định "Nếu tôi có vắc xin vào ngày mai thì tôi sẽ tiêm nó dù có phải trả giá bằng cuộc bầu cử. Chúng ta cần một loại vắc xin ngay bây giờ".
Cuộc khẩu chiến về vắc xin Covid-19 diễn ra trong lúc các ứng viên tản ra khắp nước Mỹ trong Ngày Lao động (7/9), ngày khởi đầu truyền thống cho giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử.
Bà Harris và Phó Tổng thống Mike Pence vận động tại Wisconsin còn ông Biden đến Pennsylvania. Tổng thống Trump cho thêm cuộc họp báo vào lịch trình.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 6/9, bà Harris khẳng định sẽ không tin tưởng loại vắc xin nào có sẵn tại nước Mỹ vào cuối năm. Lí do là "chúng ta rất khó có thể tin những gì phát ra từ miệng Donald Trump".
Bà lập luận rằng các nhà khoa học sẽ bị "bịt miệng" vì ông Trump quá tập trung vào việc tái đắc cử, còn vắc xin Covid-19 sẽ mang lại lợi thế lớn cho ông.
Ông Trump bác bỏ phản đối của bà Harris: "Cô ta đang miệt thị vắc xin Covid-19 để mọi người không nghĩ rằng đó là một thành tích tuyệt vời. Họ sẽ nói bất cứ điều gì", ông Trump nói với các phóng viên hôm 7/9.
Ông Trump nói ông chưa từng tuyên bố Mỹ sẽ có vắc xin trước tháng 11, dù trên thực tế ông đã nói điều này nhiều lần và mới đây nhất là ba ngày trước đó.
Nhưng sau đó ông lại tiếp tục khẳng định những gì chính mình vừa mới phủ nhận.
"Điều tôi nói là vắc xin Covid-19 có thể có sẵn vào cuối năm, thậm chí là sớm hơn thế. Thật ra Mỹ có thể có vắc xin trước tháng 11".
Theo chương trình Operation Warp Speed, Mỹ đặt mục tiêu có 300 triệu liều vắc xin Covid-19 vào tháng 1 năm sau. Ông Trump đã chi hàng trăm tỉ USD vào canh bạc khổng lồ do quá trình phát triển vắc xin thường phải mất vài năm.
Nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của chính trị đến việc phát triển vắc xin, cũng như hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả nó.
Tuần trước, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về bệnh truyền nhiễm nói với CNN rằng rất khó có khả năng một loại vắc xin sẽ được phê chuẩn vào tháng 10. Nhưng ông nói thêm viễn cảnh này "không phải là không thể". Ngoài ra, ông "khá chắc" Mỹ sẽ không cấp phép một loại vắc xin trừ khi nó hiệu quả và an toàn.
Ông Stephen Hahn, Cục trưởng Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) tuyên bố cơ quan này sẽ không bỏ qua các qui tắc quan trọng trong việc đánh giá vắc xin. Thay vào đó, FDA hướng đến việc đẩy nhanh tiến độ công việc.
Tuần trước, ông Hahn nói với tờ Financial Times rằng việc phê chuẩn vắc xin Covid-19 trước khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng có thể là động thái "thích hợp", miễn là lợi ích lớn hơn rủi ro.
Trong khi đó, Thư kí Truyền thông Nhà Trắng Kayleigh McEnany trấn an rằng ông Trump "sẽ không hi sinh sự an toàn" để đổi lấy vắc xin Covid-19. Các giám đốc cao cấp của 5 hãng dược hàng đầu của Mỹ cũng cam kết rằng không một loại vắc xin nào sẽ được cấp phép nếu không được chứng minh hiệu quả và an toàn.
Một số lo ngại đã dấy lên bởi lá thư đề ngày 27/8, trong đó Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) yêu cầu các thống đốc giúp nhà thầu chính phủ McKesson đảm bảo các cơ sở phân phối vắc xin được thiết lập và hoạt động trước ngày 1/11.
Trong khi đó, ông Redfield lại chưa nói rằng Mỹ sẽ có vắc xin trước tháng 11.
Tại Mỹ có ba loại vắc xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Mỗi cuộc nghiên cứu tuyển khoảng 30.000 người. Sau khi tiêm, họ được theo dõi từ một tuần đến hai năm để tìm ra phản ứng phụ và liệu có nhiễm Covid-19 không.