Thanh tra Chính phủ vừa ra kết luận về các dự án đầu tư, quản lý theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải.
Có bảy dự án được chỉ ra sai phạm, như: nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc các yếu tố phát sinh không đúng thực tế với số tiền 316 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trên 70 dự án giao thông theo hình thức BOT, BT đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án. Ảnh minh hoạ: Hoàng Nam |
Tại dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 thì quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình phải nâng cấp thành đường cấp II, bốn làn xe. Tuy nhiên, Bộ Giao thông đã quyết định phê duyệt đầu tư nâng cấp đường không đạt tiêu chuẩn quy hoạch.
Cụ thể, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình là đường cấp III (đồng bằng và miền núi), hai làn xe và đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình là đường cấp III (đồng bằng), hai làn xe. Bộ Giao thông đã
ghép việc cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 với đầu tư xây dựng mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình thành một dự án và đặt trạm thu phí ở cả hai tuyến là bất hợp lý.
Việc phê duyệt tổng mức đầu tư đã áp dụng đơn giá tiền lương, chi phí dự phòng trượt giá, cự ly đổ thải và cấp đá đào nên không đúng quy định, không phù hợp thực tế, dẫn đến chi sai tăng trên 51 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra dự toán cho thấy một số nội dung lập duyệt không đúng, chưa hợp lý, giá trị dự toán đã duyệt chênh lệch tăng 33,7 tỷ đồng (đường Hòa Lạc -Hòa Bình 16,4 tỷ đồng và đường Xuân Mai - Hòa Bình trên 17,3 tỷ đồng).
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Phước Tượng - Phước Gia được Bộ Giao thông áp dụng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH BOV Hưng Phát, Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Hà Thành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Thành, tổng mức đầu tư trên 1.740 tỷ đồng, thời gian thu phí 19 năm 2 tháng.
Thanh tra Chính phủ nhận định, việc Bộ Giao thông chấp thuận chuyển trạm thu phí về phía bắc Hầm Hải Vân khi đó không có đường song hành, dẫn đến giá trị doanh thu năm 2016 giữ nguyên không được chiết giảm 60%; điều chỉnh giảm vốn đầu tư theo kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư khiến tăng sai trên 44 tỷ đồng...
Qua kiểm tra dự toán, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số nội dung lập, phê duyệt không đúng chế độ hiện hành với tổng giá trị gần 51 tỷ đồng.
Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 28 km, nhưng theo Thanh tra Chính phủ, trong quyết định đầu tư Bộ Giao thông đã phê duyệt quy mô lớn hơn nhiều so với quy hoạch, chiều dài tới 40,7 km. Dự án được phê duyệt bao gồm cả việc cải tạo nâng cấp mở rộng Km93 đến Km100 quốc lộ 3 cũ.
Nhiều lái xe phản đối thu phí trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: Phạm Dự. |
Việc cải tạo nâng cấp đoạn quốc lộ 3 phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng Bộ Giao thông đã phê duyệt ghép vào dự án BOT là không đúng quy định.
Cơ quan thanh tra khẳng định, nội dung quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp bảy km quốc lộ 3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và sẽ đặt thu phí ở hai nơi là không hợp lý.
Ngoài ra, việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư, trong đó có một số hạng mục và khoản chi phí áp dụng sai định mức, đơn giá, hoặc lựa chọn phương án chưa hợp lý, làm tăng tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Một số nội dung lập, duyệt dự toán áp dụng hàm lượng nhựa chưa phù hợp, không đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông, từ đó dẫn tới dự toán phê duyệt chênh lệch tăng giá trị trên 73,5 tỷ đồng.
Với dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1, Thanh tra Chính phủ cho hay, giai đoạn này dự án chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ, nhưng giá phí thu tương đương với giá thu cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km).
Điều này là "bất hợp lý và bất thường", cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Việc phê duyệt và triển khai dự án đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí, dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, gây bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc nghiêm trọng tại các thời điểm mật độ giao thông cao.
"Đến nay, dự án buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên", kết luận chỉ rõ.
Thanh tra cũng chỉ rõ, việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở còn thiếu chặt chẽ, không lường hết yếu tố ảnh hưởng dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời ngắn.
Ở dự án này, Bộ giao thông đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25 tỷ đồng.
Việc áp dụng đơn giá đất đắp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai trên 21 tỷ đồng.
Tại dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 38 qua tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương,
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, nhà đầu tư phê duyệt thiết kế một số nội dung không đúng quy định (tổng giá trị là 28 tỷ đồng), không kế thừa đầy đủ khối lượng giá trị các hạng mục công việc của chủ đầu tư dự án giai đoạn trước chuyển giao sang là gần 7 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm trừ khối lượng đào đất nền đường không đúng quy định, làm tăng giá trị lên 9,5 tỷ đồng.
Việc chi phí đầu tư không có cơ sở gồm: Phí kiểm tra chất lượng vật liệu, kiểm định chất lượng công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư là trên 3,8 tỷ đồng; chi phí kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận phù hợp chất lượng công trình gần 7,8 tỷ đồng.
Tại dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20
(hình thức đầu tư BT), Thanh tra Chính phủ chỉ rõnhà đầu tư không có bản đăng ký thực hiện dự án. Nội dung hợp đồng quy định về cơ cấu nguồn vốn chưa đúng các quy định. Hợp đồng không đề cập đến việc thu hồi nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng tính theo tổng mức đầu tư trên 287 tỷ đồng (10%).
Doanh nghiệp không lập kế hoạch đấu thầu cho toàn bộ dự án theo quy định của Luật đấu thầu. Kế hoạch đấu thầu thực hiện dự án do Tổng giám đốc Cửu Long CIPM (nhà đầu tư trong liên danh) phê duyệt là sai thẩm quyền.
Qua kiểm tra dự toán các gói thầu (giá trị hợp đồng) cho thấy, phương án thi công phê duyệt chưa hợp lý, làm tăng so với thiết kế kỹ thuật gần 62 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 (theo hình thức BOT) bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ Bộ Giao thông thực hiện chưa đúng quy định. Việc công bố chỉ được thực hiện sau phi phê duyệt danh mục dự án để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư là chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ.
Ngoài ra, việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư, trong đó có khoản chi phí phụ cấp không ổn định sản xuất tính trên 10% chi phí nhân công không có chế độ quy định với giá trị trên 11 tỷ đồng.
Chi phí giải phóng mặt bằng xác định thiếu cơ sở, không chính xác.
Dự án phê duyệt chi phí nhân công chưa phù hợp làm tăng dự toán lên 4,7 tỷ đồng. Phê duyệt dự toán gói thầu số 18 duy tu bảo dưỡng mặt đường với giá gần 4 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư được phê duyệt lại không có hạng mục chi phí này.
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho hay sẽ rà soát từng dự án để có giải pháp cụ thể. Ví dụ dự án Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ chưa cho phép thu phí để tính toán lại phương án tài chính, chính sách hỗ trợ người dân.
"Bộ Giao thông sẽ thực hiện nghiêm túc theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các tồn tại sẽ được giải quyết, sai phạm của cá nhân, tổ chức đến đâu sẽ xử lý đến đó", ông Đông nói.
Đề nghị xử lý trách nhiệm Bộ GTVT, Tài Chính vì những sai sót khi thực hiện các DA BOT Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng CP xử lý trách nhiệm đối với Bộ GTVT và Bộ Tài Chính vì để xảy ra ... |