Trong cuộc sống hiện đại, điện thoại di động là một vật dụng bất li thân. Không chỉ là một phương tiện liên lạc mà còn phục vụ cho công việc và mục đích giải trí. Trong gia đình bố mẹ, ông bà, hay các anh chị lớn tuổi có điện thoại riêng, thậm chí có tới 2, 3 chiếc nhưng các em nhỏ (độ tuổi dưới 12) có nên cho phép sử dụng điện thoại hay không? Và nếu có thì dùng như thế nào và có ảnh hưởng gì đến học tập, cuộc sống của chúng chính là mối bận tâm của nhiều bậc phụ huynh ngày nay.
Điện thoại smartphone đang ngày càng chi phối nhiều hơn đến cuộc sống của mỗi người. Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng bị thứ đồ dùng này mê hoặc. Trẻ em không dùng điện thoại smartphone để gọi điện, gửi email, làm việc như người lớn mà thay vào đó, trẻ chỉ biết chơi game, chat trên mạng xã hội.
Khi bị cha mẹ không cho dùng điện thoại, trẻ có thể lăn ra khóc, đòi hoặc giận dỗi. Tuy nhiên, trường hợp của một cậu bé người Trung Quốc lại đi theo hướng tiêu cực hơn cả.
Cậu bé Xiaopeng, 11 tuổi cũng là một trong những đứa trẻ bị nghiện điện thoại khá nặng. Từ sáng sớm cho đến tối khuya, cậu bé chỉ thích ôm lấy chiếc điện thoại. Dù đã không ít lần bị bố mẹ ngăn cản, cậu bé vẫn chứng nào tật nấy.
Mới đây, Xiaopeng đã vô cùng chán nản khi bị bố mẹ ngăn cấm. Sau một trận cãi nhau với bố mẹ, cậu bé rất bực bội, quyết định vào nhà bếp lấy một con dao và chặt đứt một ngón tay của mình.
Hành động này của Xiaopeng khiến bố mẹ cậu bị sốc nặng. Họ đã nhanh chóng đưa con đến bệnh viên. Tại đây, các bác sĩ đã phải mất tới 3 tiếng đồng hồ để nối lại ngón tay cho bé Xiaopeng. Tuy nhiên, kết quả có nối lại thành công hay không vẫn chưa được đưa ra câu trả lời chính xác. Cậu bé Xiaopeng hiện vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện.
Hình chụp X-quang cho thấy ngón tay của cậu bé Xiaopeng đã bị cậu tự chặt đứt. |
Trường hợp của cậu bé này đã khiến nhiều ông bố bà mẹ khác ở Trung Quốc càng thêm lo ngại về chứng nghiên điện thoại di động của con nhỏ. Họ càng băn khoăn hơn về phương pháp giáo dục con, làm sao để trẻ hiểu được và không có những hành động bốc đồng, dại dột như Xiaopeng.
Tại Việt Nam, khi bước chân vào các trường tiểu học, THCS, THPT chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm học sinh chụm đầu vào chiếc smartphone cười khúc khích.
Có thể thấy, có rất nhiều học sinh ở bậc tiểu học, THCS đã được bố mẹ trang bị cho những chiếc smartphone đắt tiền với đầy đủ các các phần mềm hỗ trợ như Google, Facebook… Nếu phụ huynh có thể quản lý được thì chiếc điện thoại di động còn như cuốn bách khoa toàn thư giúp con người tìm kiếm thông tin hữu ích cho công việc và học tập.
Tuy nhiên, nếu không quản lý được thì chiếc điện thoại kia là nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy đằng sau đó. Đã từng có rất nhiều trường hợp vì bố mẹ cho sử dụng điện thoại quá sớm nên rất nhiều học sinh ở lứa tuổi THCS đã yêu nhau, hẹn hò nhau, thậm chí… rủ nhau vào nhà nghỉ.
Bên cạnh đó, điện thoại khiến các em học sinh dễ phân tán tư tưởng trong học tập: Một hồi chuông điện thoại trong giờ học sẽ khiến ánh mắt cả lớp đổ dồn về phía ấy, giáo viên cũng sẽ mất mạch cảm xúc khi giảng bài.
Theo Tiến sĩ Y tế cộng đồng Trần Tuấn: 'Khi những đứa trẻ được dung dưỡng bằng môi trường ảo trên smartphone chúng lớn lên sẽ thiếu sức sống tự nhiên và thích làm theo ý mình, tự cho mình là siêu nhân có thế quyết định được mọi việc, đòi người khác phục tùng và đặc biệt không còn phải sợ điều gì cả'.
Khi những đứa trẻ được dung dưỡng bằng môi trường ảo trên smartphone chúng lớn lên sẽ thiếu sức sống. (Ảnh minh họa). |
Cần cẩn trọng và định hướng rõ ràng
Để đảm bảo chất lượng dạy và học, nhiều trường đã có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng thực tế, giáo viên không thể kiểm soát được triệt để vấn đề này. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định cấm học sinh tiểu học mang điện thoại di động tới trường nên nếu các em chỉ sử dụng để liên lạc với gia đình vào giờ ra chơi, cuối giờ học, không làm ảnh hưởng tới việc học tập của bản thân và các bạn khác thì nhà trường cũng không thể can thiệp.
Theo bác sỹ, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, hiện nay, việc trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại không phải là quá khó của các gia đình và trên thực tế nó đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc kết nối thông tin giữa cha mẹ và con cái. Với những cha mẹ quá bận rộn, không đón con đúng giờ thì chiếc điện thoại trở thành phương tiện hữu hiệu để họ liên lạc, dặn dò con cái. Tuy vậy, trước khi đưa điện thoại cho trẻ, cha mẹ cần xem xét xem điều đó có thực sự cần thiết? Và nếu trong hoàn cảnh “cực chẳng đã”, phụ huynh chỉ cần trang bị cho trẻ chiếc điện thoại ít tính năng, chỉ dùng để nghe gọi, đồng thời thường xuyên kiểm soát số tiền trong tài khoản, hướng dẫn trẻ cách sử dụng điện thoại văn minh, lịch sự và có hiệu quả, không nên cho con em mình dùng điện thoại có nhiều trò chơi, điện thoại đắt tiền, phòng ngừa bị trộm cắp.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe, các phụ huynh cũng cần cân nhắc kỹ bởi việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với thiết bị này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý các em: Tình trạng trẻ nghiện chơi game trên điện thoại, tâm lý thường xuyên lo âu căng thẳng, sống khép mình hay sớm vấp phải những tệ nạn do mạng ảo đem lại… Ngoài ra, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, điện thoại di động có thể gây ung thư não. Lứa tuổi học sinh tiểu học đang trong giai đoạn phát triển, việc cho các em tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến não của các em. Do vậy, trước khi trang bị điện thoại di động cho trẻ, phụ huynh cần cẩn trọng và có sự định hướng cụ thể cho các em, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”…
Một số quy tắc cơ bản nên áp dụng đó là:
- Thu lại điện thoại của trẻ sau 10 giờ tối và trong những ngày học ở trường. Trong trường hợp các em cần phải liên lạc với bố mẹ trong giờ học, thì có thể dùng điện thoại của trường học ở văn phòng giáo vụ.
- Kiểm tra nội quy trường học về việc sử dụng điện thoai. Vì đa số trường trung học cơ sở không cho phép sử dụng điện thoại di động nhưng vẫn có một số ngoại lệ.
Một số giải pháp “theo dõi” khi trẻ sử dụng điện thoại
Ngoài những nội quy trên, các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách dưới đây để có thể giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng các thiết bị cá nhân như máy tính và điện thoại của trẻ nhỏ.
1. Cài đặt phần mềm theo dõi trên máy tính gia đình khi bọn trẻ sử dụng. Phần mềm PC có tên gọi là “I am Big Brother” cho phép các bậc phụ huynh bí mật theo dõi email đến và đi, tin nhắn, chat, những website đã truy cập và có thể hơn thế nữa. Sau khi được tải về và cài đặt, phần mềm hoạt động ẩn và chỉ cha mẹ là người duy nhất được phép truy cập. Sản phẩm còn được gọi là “phần mềm kiểm soát” và có thể dễ dàng tải về từ mạng internet. Bên cạnh “I Am Big Brother” cũng có những phần mềm khác dành cho máy tính cá nhân khá phổ biến như “Family Cyber Alert” và “PC Tattletale”.
2. Advanced Parental Control là một phần của phần mềm kiểm soát cho phép phụ huynh kiểm soát, giới hạn và giám sát trẻ sử dụng máy tính. Các bậc phụ huynh có thể kiểm soát lượng thời gian và thời điểm mà trẻ sử dụng máy tính, hạn chế việc sử dụng một số chương trình đặc biệt, chặn khóa truy cập những website không lành mạnh, tạo lịch trình đặt sẵn của từng nội dung. Bên cạnh quản lý truy cập, phần mềm còn ghi lại hoạt động bao gồm hình ảnh chụp màn hình đã xem, các phím bấm trên bàn phím.
3. Cài đặt phần mềm theo dõi lên di động để kiểm soát trẻ em khi mà chúng bắt đầu sử dụng điện thoại. Đây là ứng dụng theo dõi dành cho smartphone mang tên mSPY sử dụng với các điện thoại Android và BlacBerry (ứng dụng này cũng có thể cài đặt trên iPhone nhưng với điều kiện máy đã được jailbreak). Phần mềm được hỗ trợ download rất dễ dàng, từ đó cha mẹ có thểm kiểm soát mọi hoạt động mà trẻ nhỏ thực hiện với điện thoại, bao gồm cả những tin nhắn.
4. Khiếu nại và góp ý với các nhà cung cấp mạng di động để lựa chọn những gói cước hạn chế thời gian sử dụng điện thoại. Nếu các em không thực hiện đúng thì các bậc phụ huynh có thể cảnh báo thu lại điện thoại.
5. Phụ huynh nên cài đặt những thông báo nhắc nhở cho trẻ nhỏ khi chúng đi xa như trong các chuyến cắm trại hoặc picnic. Bên cạnh đó, các nhắc nhở cần thiết như làm việc nhà, về nhà ăn tối đúng giờ hay làm bài tập thực sự trở nên hữu ích.