Bêu tên người ăn mặc phản cảm: Không khả thi, dễ 'chết yểu'?

Chuyên gia cho rằng việc bêu tên người nói tục, ăn mặc phản cảm khó thực thi. Điều quan trọng là giáo dục lòng tự trọng con người.
beu ten nguoi an mac phan cam khong kha thi de chet yeu
Chuyên gia cho rằng việc bêu tên người nói tục, ăn mặc phản cảm khó thực thi và điều quan trọng là giáo dục lòng tự trọng con người. Ảnh: Đoàn Lê

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VH&TT) đã có thông báo về việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trên địa bàn về dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Bộ quy tắc này có những điều không nên làm ở nơi công cộng như: Không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; Không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm.

Đáng chú ý là điều 13 của bộ Quy tắc ghi rõ: "Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định".

Việc bêu tên công dân trên phương tiện thông tin đại chúng của bộ Quy tắc đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhằm làm rõ vấn đề này, PV đã có trao đổi với một số chuyên gia văn hóa, xã hội học.

beu ten nguoi an mac phan cam khong kha thi de chet yeu
Con người có lòng tự trọng sẽ biết vứt rác ở đâu, ăn mặc thế nào cho phù hợp? Ảnh: Đoàn Lê

Nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến: Quan trọng là giáo dục lòng tự trọng

Liên quan đến đề xuất bêu tên công dân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng cơ quan chức năng được quyền phê bình nhắc nhở nhưng lấy quyền gì để công khai danh tính người nói tục, ăn mặc phản cảm trên phương tiện thông tin đại chúng.

"Trước đây, chúng ta từng có đề xuất bêu tên những người vi phạm giao thông nhưng cũng không thực hiện được. Và giờ chỉ có thể bêu tên những đơn vị trốn, nợ thuế. Việc bêu tên công dân như trên là rất tế nhị", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, dự thảo nói trên không khả thi bởi với một thành phố hơn 7 triệu dân thì lấy ai đi thanh tra, kiểm tra và giám sát những hành vi ứng xử của công dân nơi công cộng. Ông Tiến cho rằng: "Nếu gặp đội thanh tra, người dân cãi rằng họ không nói tục chửi bậy, ăn mặc theo sở thích không phải phản cảm thì lấy ai để chứng minh. Ngoài ra, chúng ta không có bất kỳ quy định rõ ràng về thế nào là ăn mặc phản cảm".

"Vấn đề cốt lõi không phải là đưa ra quy tắc và bắt người dân làm theo, không theo thì phạt. Quan trọng nhất là phải giáo dục lòng tự trọng con người, khi người ta có lòng tự trọng thì sẽ tự ý thức được việc ra đường rác vứt vào đâu, ăn nói thế nào, quần áo ra cho phù hợp. Khi lòng tự trọng không có thì bêu tên cũng không còn ý nghĩa. Chúng ta nên giáo dục từ trong trường học, cho học sinh nói chung biết được một người trong xã hội văn minh cần ứng xử thế nào", ông Tiến phân tích.

beu ten nguoi an mac phan cam khong kha thi de chet yeu
Hình ảnh xấu xí tại lễ diễu binh 2/9/2015. Ảnh: Đoàn Lê

TS Trịnh Hòa Bình: Khó bắt buộc người dân tuân thủ

TS Trịnh Hòa Bình Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) bộ Quy tắc ứng xử trên không phải văn bản quy phạm nên rất khó bắt buộc mọi người tuân thủ. "Ngoài ra, chúng ta khó xác định thế nào là nói tục hoặc ăn mặc phản cảm", TS Bình nói.

Ngoài ra, theo TS Bình việc chế tài xử phạt dễ dàng hơn ở những cơ quan nhà nước, hành chính. Còn tại nơi công cộng, việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn. "Việc công khai danh tính người dân vi phạm sẽ vấp phải nhiều phản đối bởi lẽ đây là chuyện đời tư cá nhân, liên quan đến quyền con người", TS Bình nhận định.

Cũng theo ông Bình, khía cạnh ăn mặc phản cảm không thể quy định định thành luật vì đây là trạng thái tâm lý của số đông khi đánh giá về hành vi, hình thức của một cá nhân, tổ chức nào đó. “Thay vì đưa ra quy tắc, Hà Nội có thể tổ chức truyền thông tuyên truyền về những giá trị nhân văn, ứng xử nơi công cộng. Khi cả cộng đồng trở lại hệ giá trị cơ bản thì những cá thể sai khác, đi ngược với giá trị chung ắt sẽ bị cô lập. Từ đó, tự họ sẽ chủ động thay đổi theo cái đúng mà không cần bất cứ hình thức xử phạt nào”, TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.