Bhutan có gì ngoài hạnh phúc

Nhắc đến Bhutan là nhắc tới một vương quốc nhỏ xinh hạnh phúc. Là đất nước hiếm hoi có Bộ Hạnh phúc và chỉ số hạnh phúc (GNH) được quan tâm hàng đầu.
bhutan co gi ngoai hanh phuc

Punakha Dzong - pháo đài cổ và đẹp nhất ở Bhutan (ẢNH: TRẦN THỊ DUYÊN).

Điều gì đã khiến một nước vốn dĩ còn nghèo lại đang sở hữu thứ mà nhiều người, nhiều quốc gia, chủng tộc trên thế giới mơ ước?

Bởi xét cho cùng, thứ mà con người ta khao khát, tìm kiếm cả đời chính là hạnh phúc và bình yên.

Nhưng nếu không nói về hạnh phúc, Bhutan còn có điều gì để ta nghĩ đến?

Một trật tự xã hội rất khác

Để hạ cánh xuống sân bay quốc tế Paro của Bhutan là cả một thử thách đối với phi công.

Sân bay nằm lọt thỏm giữa các hẻm núi cao vút với đường băng lại ngắn và tầm nhìn thường xuyên bị giới hạn.

Cũng vì thế mà các chuyến bay đến và đi ở đây chỉ diễn ra vào buổi sáng. Trên thế giới, chỉ có 8 phi công được cấp phép hạ cánh ở đường băng đặc biệt này.

bhutan co gi ngoai hanh phuc
Một góc sân trường học ở thủ đô Thimphu, học sinh ra giữa trời học bài

Còn với hành khách thì trải nghiệm này cũng không kém phần hồi hộp, thú vị khi nghe thông báo từ khoang lái là máy bay sắp hạ cánh.

Quý khách đừng bỏ lỡ khoảnh khắc nhìn thấy dãy núi tuyết ngay bên ngoài cửa sổ. Đó là dãy tuyết sơn hùng vĩ, là Himalayas nóc nhà thế giới.

Cái cảm giác đặt chân vào làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Paro thật sự rất khác.

Mọi thứ yên ắng lạ kỳ. Bỏ lại chiếc máy bay là biểu tượng của sự hiện đại ở đằng sau, chúng tôi lạc bước vào một xứ sở tưởng như đã rất xưa cũ ngay tại sân bay quốc tế duy nhất ở đây.

Từng mảng tường ốp gỗ nhiều hình vẽ hoa văn trang trí đậm chất Phật giáo như đang muốn kể câu chuyện của lịch sử và văn hóa.

Đó chắc hẳn là về đội ngũ hải quan mặc đồ truyền thống đang chào khách với nụ cười dịu dàng, là sự thân thiện niềm nở ngay ở cửa vào Bhutan.

Trải nghiệm giao thông ở Bhutan thật sự mới mẻ với nhiều người. Đây là đất nước duy nhất trên thế giới không có khái niệm đèn giao thông.

Với địa hình đồi núi là chính, khách đến Bhutan được trải nghiệm cảm giác khá mạnh khi lướt mình vun vút qua những cung đường đèo hiểm trở.

Không có lan can hay rào chắn nhưng tài xế vẫn lái xe với tốc độ nhanh trong sự tập trung và tĩnh lặng.

Tại thủ đô Thimphu, dù mật độ ô tô đông trong khi đường sá nhỏ hẹp nhưng suốt một tuần lang thang ở đây, chúng tôi tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng còi xe nào.

Nhịp sống ở đây xa lạ với sự hối thúc, bon chen vội vã. Mọi thứ được lái đi theo một trật tự khác: trật tự của niềm tin.

Bước qua nỗi sợ mỗi ngày

Karma Tenzin (32 tuổi, ở Thimphu) người bạn Bhutan và cũng là ông chủ của Công ty du lịch Bhutan Lilly Travels ở đây chia sẻ: “Nếu để ý, bạn sẽ thấy ở Bhutan nhà ở thì nhỏ và đền chùa thì to.

Chúng tôi yêu tổ ấm mà mình đang ở nhưng đó cũng chỉ là cõi tạm cho một kiếp người. Người Bhutan tin rằng, việc cầu nguyện mỗi ngày ở đền chùa sẽ tạo lập phước lành cho những kiếp sau.

Và trong nhà nếu có người thân mất đi, chúng tôi sẽ cắm một cây cờ trắng trên núi như một sự tưởng nhớ.

Cái chết không chỉ mang nghĩa kết thúc cuối cùng của một kiếp người mà còn là sự khởi đầu cho một kiếp sống mới tốt đẹp hơn.

Đó cũng là lý do giúp người Bhutan sống tốt và làm điều tốt mỗi ngày”.

bhutan co gi ngoai hanh phuc
No nê và thảnh thơi nên hầu hết chó ở đây đều rất hiền, và cũng rất hạnh phúc

Những chia sẻ này giúp chúng tôi hiểu thêm về niềm tin mà người Bhutan đang nắm giữ, về những việc tốt lành và chân thật mà họ đang sống.

Thế nhưng, họ cũng phải có điều gì để sợ như vốn dĩ con người là vậy chứ?

Một người bạn khác ở Bhutan, anh Tshering Wangchuk, quản lý tạp chí của Hãng bay Drukair cho biết: “Chúng tôi nghĩ tới cái chết hơn 2 lần mỗi ngày. Bản thân tôi là 4 - 5 lần.

Trước cái chết, chúng tôi cũng sợ lắm chứ. Nhưng sợ đó mà hết đó. Nghĩ đến cái chết để nhắc nhở mình rằng thời gian là có hạn, cuộc sống này ngắn ngủi lắm.

Ngắn như thế nên phải dè sẻn thời gian cho những việc có ích, trân trọng cuộc sống và cũng tận hưởng cuộc sống”.

Một trong những nỗi sợ đầy mâu thuẫn mà người Bhutan đang loay hoay là giữa ước muốn thịnh vượng bền vững và đà phát triển quá nhanh có thể gây xung đột văn hóa.

Anh Karma cho biết, mới cách đây chừng 10 năm thôi, Bhutan còn không có ti vi hay bất cứ thiết bị thuộc công nghệ hiện đại nào.

Nhưng bây giờ, những chiếc điện thoại mới nhất đã có mặt ở đây. Ngày càng có nhiều hãng ô tô trên thế giới cạnh tranh tại thị trường Bhutan.

Bảo tồn những giá trị truyền thống trước những “cơn lốc” của thế giới phẳng lúc nào cũng nhăm nhe đổi màu cuộc sống luôn là chuyện khiến hoàng gia và chính phủ Bhutan đau đầu.

Nhưng rất may, cho đến thời điểm tháng 5.2018, khi đến thăm vương quốc hạnh phúc này, chúng tôi vẫn được chìm đắm trong một nhịp sống chậm nhẹ, hiền hòa.

Người dân ở đây vẫn mặc Gho và Kira (đồ truyền thống Bhutan cho đàn ông và phụ nữ) ra đường, cất những bước đi khoan thai trên đường phố.

Nhà phố ở đây vẫn chỉ được phép xây tối đa đến tầng thứ 4 để không ai che lấp cảnh quan xung quanh của ai.

Tại những ngôi nhà ven Thimphu, người dân địa phương vẫn giữ được nếp sống cũ, vẫn mời trà sữa ngọt dịu và bánh quy khi có khách tới nhà.

Giữ lại niềm tin và hy vọng

Hiếm có nơi nào mà người dân gần như đặt hết tất cả sự yêu kính, tin tưởng vào hoàng gia và chính phủ như ở Bhutan. Bên cạnh đó là những vị sư còn được yêu kính hơn gấp bội.

Anh bạn đón chúng tôi với bộ đồ Gho truyền thống Bhutan, trên đó có gắn hình ảnh đức vua hiện tại và hoàng hậu.

Anh tự hào cho biết đó là những người không chỉ riêng anh tôn thờ mà cả một dân tộc cũng mến yêu tôn kính như thế.

Cho đến thời điểm hiện tại, Bhutan vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới có nền nông nghiệp 100% hữu cơ, tuyệt đối nói không với thuốc trừ sâu diệt cỏ, phân bón hóa học.

Thuốc lá bị cấm trên quy mô toàn lãnh thổ. Ngoài ra, việc câu cá ở Bhutan là không được phép nói chung.

Nếu có, thì phải câu cá ở khu vực riêng và xin một loạt giấy tờ từ cơ quan chức năng rất phức tạp.

Đây cũng là quốc gia tuyệt đối không được phép giết mổ bất cứ sinh vật nào dù chỉ là con cá nhỏ. Có khoảng hơn 40% người dân ăn chay.

Tất cả các loại thịt cho du khách và người dân còn lại ở đây đều được nhập khẩu từ Ấn Độ.

Một điều đặc biệt thú vị khác mà nhiều nước giàu không làm được như Bhutan là 100% giáo dục và y tế ở đây là miễn phí.

Chương trình học toàn bộ các môn đều bằng tiếng Anh ngay từ lớp 1 trở đi. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông ở quốc gia nhỏ bé này.

Vị vua thứ 4 trước khi truyền ngôi đã nhất định yêu cầu phải có một thủ tướng để trong trường hợp những đời vua sau không còn tốt như trước thì cũng có một người tài giỏi khác giúp nước.

Nhưng với người dân Bhutan, sự thay đổi lớn trong hệ thống chính quyền này cũng không tác động nhiều đến cuộc sống thường nhật.

Họ vẫn duy trì cho mình những nếp sống cũ, những niềm tin và tín ngưỡng muôn đời nay.

Bởi họ luôn tin và hy vọng vào điềm lành, vào ân phước mà một đất nước dù rất nhiều khác lạ nhưng cũng bình yên, xinh tươi đến lạ mà họ đang sống.

Cả vương quốc nuôi chó

Đến Bhutan, một trong những điều ấn tượng của du khách là... chó. Có thể nói, cả một vương quốc cùng nuôi chó.

Hoặc ví von, đây mới đúng là vương quốc của loài chó và chó mèo ở đây thực sự sống trong hạnh phúc. Chúng hầu hết là chó đường phố.

Nghĩa là không ở trong một ngôi nhà nào cả. Lang thang trên đường, trong những công viên, đền chùa.

Đi chơi lông rông hoặc nằm ngủ no nê cả ngày ngoài đường, đến bữa lũ chó này kéo nhau tới nhà người dân hoặc nhà hàng nào đó xin ăn.

Người dân thấy chó đến sẽ tự mang đồ ăn cho chúng. No nê và thảnh thơi nên hầu hết chó ở đây đều rất hiền, và cũng rất hạnh phúc.

bhutan co gi ngoai hanh phuc Bộ ảnh đẹp nao lòng về đất nước hạnh phúc nhất thế giới - Bhutan

Hành trình đến đất nước Bhutan được anh Lê Phong Nguyên, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng tái hiện một cách ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.