Chị Nhung đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh NGUYÊN MI |
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), anh Lê Văn Giàu (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) phờ phạc kể về hoàn cảnh của vợ chồng mình: Chị Võ Thị Tuyết Nhung (vợ anh, 23 tuổi, mang thai được 26 tuần) vào khuya 20.11 bỗng nhiên đau bụng quằn quại. Thấy bất thường, anh đã đưa vợ vào Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Kim Bá Liêm, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Hùng Vương, người trực tiếp chỉ đạo xử lý ca bệnh, cho biết: Sản phụ mang song thai, nhập viện trong tình trạng đau bụng, gò tử cung nhiều, huyết áp cao, chẩn đoán thấy nhau bong non (thai nhi bị cắt đứt đường nuôi dưỡng từ mẹ). Một trong hai thai nhi đã chết lưu trước đó trong bụng mẹ, bé còn lại tim thai rời rạc.
Sản phụ được chẩn đoán tiền sản giật, đồng thời, bệnh nhân mắc hội chứng Hellp kèm rối loạn đông máu.
Tiền sản giật là biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ, thường gặp nhất ở ba tháng cuối. Đây là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như sinh non, thai chết lưu, nhau bong non. Hellp là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu, đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi. Đây là một thể bệnh rất nặng trong sản khoa có nguy cơ tử vong mẹ rất cao do biến chứng suy đa cơ quan.
“Trước tình trạng nguy kịch của sản phụ, các bác sĩ lập tức mổ để cứu mẹ vào nửa đêm. Ca mổ kéo dài 40 phút, các bác sĩ đã lấy cả hai thai nhi và bảo tồn tử cung cho thai phụ. Tuy nhiên, em bé do quá yếu từ trước đó nên không qua khỏi”, bác sĩ Liêm cho biết.
Bệnh nhân đã được truyền đến hơn 4 lít máu và điều chỉnh rối loạn đông máu. Chính điều này giúp sản phụ đủ sức để tiếp tục sự sống.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 24.11, bác sĩ Mai Anh Tuấn, Khoa Hồi sức Cấp cứu, cho biết: Bệnh nhân được chuyển viện vào ngày 22.11, với tình trạng suy đa cơ quan, rối loạn đông máu. Các chức năng phổi, thận, gan đều không ổn định, phải hỗ trợ máy móc.
Sau ba ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn nhưng bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, nhiều khả năng do viêm phổi. Vì vậy, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh liều cao.
“Nếu điều trị tốt khoảng sau hai tuần bệnh nhân có thể hồi phục”, bác sĩ Tuấn nhận định.
Bác sĩ Tuấn cũng đánh giá thêm: “Việc chẩn đoán tiền sản giật và chấm dứt thai kỳ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hùng Vương là kịp thời. Nếu chậm, bệnh nhân có thể đã tử vong”.
Anh Giàu cho biết vợ chồng anh từ An Giang lên TP.HCM mưu sinh. Anh làm bốc vác, vợ bán bánh cho công nhân ở khu công nghiệp. Chị Nhung không có bảo hiểm y tế. Điều kiện khó khăn nên từ lúc mang thai đến nay chị chưa hề đi khám thai.
Hiện tại, anh đang nghỉ việc để chăm sóc vợ. Đứa con đầu lòng chỉ mới hơn một tuổi của anh chị được gửi về quê cho bà nội chăm sóc. Bên cạnh lo lắng cho tình trạng của vợ, nỗi đau mất con, anh Giàu cũng đang phải chạy vạy mượn tiền để trang trải cho phí điều trị cho vợ. Hiện, khoảng chi phí điều trị đang nợ của chị Nhung tại hai bệnh viện đã lên đến hơn 100 triệu đồng.
Riêng việc điều trị tích cực của bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với các kỹ thuật cao, có chi phí mỗi ngày đến hơn 10 triệu đồng. Các bác sĩ đánh giá, bệnh nhân còn phải điều trị khoảng 10 -14 ngày nữa, khả năng sinh tồn và phục hồi khá tốt.
Gia đình chị Nhung đang cần được sự giúp đỡ.
Tạm dừng hoạt động Đơn nguyên Sơ sinh- BV Sản Nhi Bắc Ninh
Trao đổi với báo chí sáng ngày 24/11 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lãnh đạo Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, hiện ... |