Theo chị Hoài Anh, những nạn nhân của xâm hại tình dục sẽ rất cần tới tình yêu thương, quan tâm của cha mẹ, gia đình và xã hội. “Tại sao tôi biết rất rõ việc này? Là bởi tôi đã trải qua cảm giác đau đớn ấy, bởi tôi cũng là một nạn nhân của sự xâm hại tình dục lúc 9 tuổi.
Thủ phạm cưỡng bức tôi là một người chú họ hơn 30 tuổi, kẻ này đã đe dọa sẽ giết cha mẹ và em trai tôi nếu nói cho ai biết. Điều đó vẫn xảy ra vài lần tới năm tôi 10 tuổi, kẻ đó đi công tác sinh sống ở nước ngoài. Cách đây vài năm tôi biết tin hắn đã chết vì ung thư, cô độc ở đó.
Đây là lý do tại sao thời thơ ấu của tôi đã chấm dứt khi tôi 9 tuổi. Tại sao tôi hay gặp ác mộng thường xuyên và tại sao tôi dù lấy chồng, sinh con nhưng rất sợ đàn ông, sợ gần gụi và sinh hoạt tình dục. Bạn có biết vì sao không? Một phần do ngày xưa, người ta rất coi trọng trinh tiết nên tôi lại càng muốn che giấu việc mình bị xâm hại. Nỗi đau càng giấu kín, bạn sẽ càng cảm thấy cô đơn. Tôi của thời điểm đó là như vậy, âm thầm chịu đựng và lãnh cảm.
Tôi còn nhớ, mỗi lần trước khi đi công tác, cha đều dặn dò tôi ở nhà phải chăm sóc em, đỡ đần cho mẹ. Bản thân tôi khi lâm vào cảnh khủng khiếp này, tôi rất nhớ bố và muốn tìm một người mạnh mẽ để che chở. Đã có lúc trầm cảm, nhiều lần tôi có ý định tự tử. Nhưng thương cha, thương mẹ và em bao nhiêu, tôi lại không thể. Dần dần, tôi tự cô lập bản thân và luôn có ác cảm với những bạn trai cùng lớp.
Nỗi đau của các cháu bé cả về tâm hồn và thể xác - đó là điều tôi quan tâm nhất! (Ảnh: NVCC) |
Tôi nói ra để giúp cho các bậc cha mẹ biết cách giáo dục để bảo vệ các em ngăn chặn những hành vi tội ác xảy ra với con mình. Tôi mong muốn không có trẻ em nào bị xâm hại nữa, mong muốn những kẻ thủ ác mất nhân tính phải bị trừng trị nghiêm khắc để răn đe và trừng phạt những con thú đội lốt người này để trẻ em của chúng ta được sống yên ổn trong tình yêu thương chăm sóc của gia đình và xã hội.
Thực ra trong xã hội rất nhiều kẻ ác và biến thái với những bộ mặt hiền lành và đạo mạo. Từ kinh nghiệm của mình tôi đã luôn dạy con gái và các cháu tôi cảnh giác, và không cho các cháu gần gũi thân mật với người lạ, cần cảnh giác cả với anh em, họ hàng, hàng xóm. Mong các mẹ, các bậc phụ huynh hãy đừng e ngại khi giáo dục các cháu những điều này từ khi các cháu còn rất nhỏ. Nhất là khi các cháu ở chung cư, xóm trọ, khu lao động, đừng để con cái thiếu hiểu biết.
Đó cũng là lý do mà tôi đã không sợ bất cứ sự đe dọa nào để sẵn sàng lên tiếng bảo vệ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại và bạo hành.
Nói công khai ra được điều này tôi thật sự nhẹ lòng, hy vọng câu chuyện của tôi sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh thêm đề cao cảnh giác và hãy luôn gần gụi bảo vệ các con mình khỏi những kẻ mặt người dạ thú trong xã hội. Chúng ta hãy đồng lòng kiên quyết trong việc trừng trị kẻ xấu, kẻ ác!
Cho dù đây là lần đầu tiên tôi kể ra câu chuyện quá khứ này, mẹ và con gái tôi sẽ đau lòng vô cùng. Nhưng tôi tin hai người phụ nữ yêu thương nhất sẽ hiểu tôi đã làm đúng với lương tâm của mình”.
Chị Hoài Anh tâm sự thêm: “Đã có quá nhiều người inbox hỏi tôi, rằng chị là doanh nhân nổi tiếng mà không sợ bị ảnh hưởng tới hình ảnh của mình ư? Có người lại hỏi: Chị dùng việc này để đánh bóng bản thân, đánh bóng thương hiệu phải không? Những câu hỏi này đều là sự xúc phạm ghê gớm đối với tôi. Xin phép được block những người đó vĩnh viễn vì họ không thể hiểu được nỗi đau của các cháu bé cả về tâm hồn và thể xác - đó là điều tôi quan tâm nhất, thế thôi!”
Hy vọng qua câu chuyện của chị Hoài Anh, các bậc cha mẹ sẽ biết cách giáo dục để bảo vệ các em ngăn chặn những hành vi tội ác xảy ra với con mình sao cho không còn trẻ em nào bị xâm hại bởi theo luật sư Luân Lê: “Còn biết bao nhiêu con người, trẻ em đã bị lạm dụng tình dục mà phải im lặng vì sự xem nhẹ của người lớn, vì sự sợ hãi không được bảo vệ từ luật pháp, từ sự sợ hãi đối mặt với dư luận, hoặc đau khổ vì chính người thân, ruột thịt của mình xâm hại? Sự nín lặng đó vô tình tiếp tay cho những hành vi tội ác cướp đi tâm hồn, trí tuệ của các em. Hãy quan tâm đến thệ hệ con em mình. Đó là tài sản quý giá nhất của mỗi con người, và là thế hệ của quốc gia sau này”.