Biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong ngắn hạn khi dự báo nhu cầu thép đi lên

Động lực chủ yếu thúc đẩy nhu cầu thép năm 2021 là đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình hạ tầng và FDI cũng sẽ được đẩy mạnh.
Dự báo nhu cầu thép đi lên, biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong ngắn hạn - Ảnh 1.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2020 sản xuất thép các loại đạt hơn 25,94 triệu tấn, tăng 2,7% so với 2019. Bán hàng thép các loại đạt 23,45 triệu tấn, tăng 1,4%; trong đó, xuất khẩu là 4,56 triệu tấn, giảm 0,7%.

Thép xây dựng vẫn là sản phẩm chính, chiếm 44,6% tổng cơ cấu tiêu thụ theo ngành hàng. Theo sau là thép cuộn cán nóng - HRC (18,3%), tôn mạ (16,8%), ống thép (11%) và cuối cùng là thép cuộn cán nguội – CRC (9,3%).

Trong khi HRC, tôn mạ và ống thép ghi nhận sản lượng tiêu thụ tăng 4 – 9% so với 2019 thì thép xây dựng và thép cán nguội lại giảm nhẹ.

Giá thép tăng; Hoa Sen, Hòa Phát chiếm thêm thị phần

Miếng bánh thị phần có xu hướng tập trung vào các tay chơi lớn. 

Ở mảng thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) nâng thị phần từ 26,2% năm 2019 lên 32,5% năm 2020. Theo phân tích của Chứng khoán SSI, thành tích này đạt được là nhờ Hòa Phát tăng công suất từ Khu liên hợp Dung Quất và có lợi thế cạnh tranh đáng kể về quy mô và chi phí so với các đối thủ trong nước.

Dự báo nhu cầu thép đi lên, biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong ngắn hạn - Ảnh 2.

Lò cao số 3 tại Dung Quất hiện đã hoạt động hết công suất sau 4 tháng vận hành. Lò cao số 4 – cũng là lò cao cuối cùng – dự kiến sẽ bắt đầu vận hành trong quý I/2021. Sau khi cả 4 lò cao đạt công suất tối đa, Hòa Phát sẽ vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng 8 triệu tấn/năm.

Dự báo nhu cầu thép đi lên, biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong ngắn hạn - Ảnh 3.

Sản lượng thép thô (phôi thép) và HRC của Hòa Phát, đơn vị: nghìn tấn. (Nguồn: Chứng khoán Bảo Việt - BVSC).

Theo Chứng khoán HSC, Hòa Phát hiện đã có thể ký hợp đồng bán hàng cho đợt giao tháng 2 - 3/2021 với mức giá thép cuộn cán nóng (HRC) khoảng 16 - 16,1 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT), cao hơn đáng kể so với mức 12,3 triệu đồng/tấn khi giao hàng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2020.

Với mảng ống thép, thị phần Hòa Phát tăng từ 31,5% lên 31,7%. Gương mặt đứng thứ hai là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng nâng từ 15,3% lên 16,8%.

Dự báo nhu cầu thép đi lên, biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong ngắn hạn - Ảnh 4.

Ở thị trường tôn mạ, Hoa Sen gia tăng cách biệt với top dưới khi tăng thị phần từ 29,5% lên 33,4%. Cải thiện này của Hoa Sen đến từ việc đẩy mạnh kênh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Dự báo nhu cầu thép đi lên, biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong ngắn hạn - Ảnh 5.

Theo SSI, giá thép tăng mạnh trong nửa cuối năm do nhu cầu thế giới phục hồi và nguồn cung bị gián đoạn ở cả thép và nguyên liệu thô. 

Giá thép xây dựng trong nước tăng 25% so với đầu năm và 36% so với mức thấp trong tháng 4, trong khi giá HRC tăng 43% so với đầu năm và tăng 80% so với mức đáy. 

Giá thép có xu hướng tăng trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu tăng mạnh cùng với việc cắt giảm công suất ở Trung Quốc, nhu cầu dồn nén từ các thị trường khác và giá quặng sắt tăng do sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là ở Brazil do dịch COVID -19.

Kỳ vọng vào nhu cầu năm 2021

Chứng khoán SSI đánh giá tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong nước năm 2021 dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp 1,4% trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI. Hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI cũng được thúc đẩy theo.

Nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực, nhưng dự kiến cạnh tranh gay gắt hơn. Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới giảm 2,4% trong năm 2020 và được dự báo sẽ tăng 4,1% trong năm 2021. Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021. 

Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng - nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021. Do đó, SSI ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.

Giá có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn, nhưng có khả năng đảo chiều. SSI cho rằng giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung. 

Những rủi ro cần để mắt

Chứng khoán SSI chỉ ra hai nhân tố rủi ro đối với các doanh nghiệp thép trong năm 2021.

Thứ nhất, giá các nguyên liệu chính để sản xuất thành phẩm như quặng sắt, phế liệu và HRC đã tăng 40-90% so với đầu năm 2020, trong đó mức tăng từ 30-35% chỉ diễn ra ở hai tháng cuối năm.

Do các công ty sản xuất như Hòa Phát, Formosa có thể sử dụng hàng tồn kho hiện có trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tháng nên chi phí nguyên liệu cao sẽ được phản ánh nhiều hơn vào đầu năm 2021, điều này sẽ gây áp lực lên các công ty thép, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, sở hữu thị phần thấp.

Dự báo nhu cầu thép đi lên, biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong ngắn hạn - Ảnh 6.

Thứ hai, giá thế giới có thể sớm đảo chiều. Giá thép tăng đặc biệt là trong quý IV/2020, được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu thế giới và sự gián đoạn nguồn cung. Nguồn cung dự kiến sẽ ổn định vào năm 2021 khi sản lượng thép của Trung Quốc tăng khoảng 2%.

Do vậy, giá thép có thể đạt đỉnh trong năm 2021 rồi quay đầu giảm, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.