Theo tờ Bloomberg, cả ba quốc gia này đều có sự cải thiện trong xuất khẩu trong các báo cáo gần đây, cho dù tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc và Thái Lan vẫn đang thu hẹp.
Một loạt các rủi ro vẫn đè nặng lên chuỗi cung ứng trong khu vực, có thể kể đến là những diến biến căng thẳng giữa Mỹ - Trung, sự bùng nổ trở lại của dịch bệnh COVID-19, kèm theo là những biện pháp hạn chế đi lại và sự khó đoán trong cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.
Tuy nhiên ở hiện tại, Hàn Quốc ít nhất cũng đã có dữ liệu tương đối tốt. Các số liệu thương mại công bố hôm 1/9 vừa qua cho thấy sự sụt giảm trong giá trị xuất khẩu tiếp tục được giảm bớt trong tháng 8, với mức giảm trung bình mỗi ngày đối với những chuyến hàng ra nước ngoài hiện chỉ còn 3,8%.
Cùng với GDP quí II tốt hơn một chút so với ước tính ban đầu và chỉ số PMI sản xuất tốt nhất của nước này kể từ tháng Hai, xuất khẩu châu Á đã cho thấy một số tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Ngược lại ở Thái Lan, xuất khẩu của nước này trong tháng Bảy đã giảm 11,9% cho với cùng kì năm trước, Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết vào 31/8 vừa qua. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ tương đương khoảng một nửa so với mức giảm của khoảng thời gian trước đó.
Cùng với ngành du lịch đang sụp đổ, xuất khẩu dịch vụ cũng bị giảm sút mạnh. Những điều này khiến cho các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tăng trưởng kinh tế khác. Phó Thủ tướng Thái Lan cho rằng sản xuất cây gai dầu là một động lực mới cho doanh thu xuất khẩu.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có thể đạt được mức tăng trưởng dương ở năm 2020, giá trị xuất khẩu trong tháng 8 của Việt Nam đạt kết quả tốt nhất kể từ tháng 2, điều này đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm vẫn tăng so với cùng kì năm ngoái.
Theo Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 26,5 tỉ USD chủ yếu do Công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Note 20. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước có thể sẽ khó khăn hơn khi chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 8, theo IHS Markit, chỉ số PMI Việt Nam đã giảm mạnh từ 47,6 điểm của tháng 7 về 45,7 điểm trong tháng 8.
Như vậy, sức khỏe lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã giảm lần thứ hai liên tiếp sau khi đã tăng trở lại trong tháng 6. Điều này cho thấy các nhà quản lí nhà máy đang thận trọng với một số rủi ro thương mại.
Bloomberg dự báo, mọi thứ có thể sẽ trở nên đặc biệt phức tạp cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam khi thúc đẩy đầu tư và nhu cầu hàng hoá trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp.