Bỏ ăn thịt chó, được không?

Thông tin TP HCM khuyên người dân bỏ ăn thịt chó thu hút được đông đảo sự quan tâm, tán đồng của dư luận. Thế nhưng vấn đề đặt ra là liệu có dễ dàng từ bỏ một thói quen vốn tồn tại bấy lâu nay?
 - Ảnh 1.

Có thể nhận thấy trước khi Ban quản an toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM đưa ra khuyến cáo người dân từ bỏ ăn thịt chó, vấn đề này từng được tranh luận nảy lửa ở nhiều nơi nhưng chưa có hồi kết.

Năm ngoái, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ngành tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật để dần thay đổi thói quen, nhận thức khi sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm.

Thịt chó cần là có!

Dọc đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) từ lâu được mệnh danh là "con đường thịt chó" ở TP HCM. Đến nay, dù không còn xôm tụ như xưa nhưng nếu khách có nhu cầu ăn thịt chó đều được cung ứng đầy đủ.

Sáng qua 16/9, cửa hàng bán thịt chó của bà L. (quê Nam Định) gây chú ý đặc biệt bởi 4 con chó được khò vàng da xếp la liệt trên bàn, sát mép đường. Kế bên, nhiều chú chó được chặt phay ra từng miếng, dưới sọt nhựa còn vài con chân dính lông chuẩn bị được đưa ra bày bán cho khách hàng.

Tất cả số chó này đều có điểm chung là không rõ nguồn gốc xuất xứ, và đều không được kiểm dịch. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, bà L. còn trang bị một tủ đông lớn để trữ chó bán "dài hơi".

"Đây toàn làm chó sống nên mới có cả chai tiết đỏ tươi ngon thế này, chứ chó bả thì mất tiết hết rồi, làm sao mà còn tiết được. Chó bả ăn đau bụng chết" - một chủ quán trên đường Phạm Văn Hai nói.

Tại một quán thịt chó trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), ngày 16/9 vừa bước vào đã nghe tiếng chặt thịt lia lịa vọng ra từ bếp. Ở căn phòng nhỏ nằm cuối quán, 3 nam nhân viên lưng trần, chân đất hối hả xẻ thịt 5 con chó cho vào 4 chiếc nồi lớn.

Công đoạn sơ chế này được thực hiện ngay dưới nền đất ẩm ướt, với chiếc thớt chỉ được lót bằng một tấm nilông mỏng.

Theo các nhân viên, quán này tiêu thụ một lượng lớn thịt chó mỗi ngày, song ai cũng từ chối nói về nguồn gốc. Chủ quán nhậu này cho biết bên cạnh các món cầy tơ tại quán, quán cũng bán thịt lẻ hoặc nguyên con "móc hàm" chừng 7-8kg/con với giá 150.000 đồng/kg.

 - Ảnh 2.

Hàng trăm con chó được chuyên chở trên quốc lộ 1 đoạn qua Sông Cầu, tỉnh Phú Yên - Ảnh: THANH ĐẠM


Khẳng định việc có một số người thích ăn thịt chó bởi thịt ngon và có độ đạm cao, Ban quản ATTP TP HCM khuyến cáo trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay, nguy cơ không đảm bảo ATTP rất cao, thậm chí gây tử vong nếu sử dụng thịt chó bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác.

Các nguy cơ đó có thể kể đến là nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virút gây bệnh dại. Ngoài ra có thể nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt.

Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans), gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

Đặc biệt, việc hóa chất tồn dư trong thịt chó, nhất là các hóa chất dùng để đánh bả chó thường rất độc và có thể gây chết người. Điều nghịch hiện nay là pháp luật nước ta không cấm sử dụng thịt chó và cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người.

"Từ phân tích nêu trên cho thấy sử dụng thịt chó là thói quen không tốt, nên từ bỏ, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, giao lưu với thế giới và quá trình tạo dựng hình ảnh đất nước văn minh, hiện đại" - khuyến cáo của Ban quản ATTP TP HCM đúc kết.

Ủng hộ chủ trương khuyến khích người dân từ bỏ ăn thịt chó, ông Khương Trần Phúc Nguyên - trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - thú y TP HCM, cho rằng đây là cuộc vận động "dài hơi" bởi thuộc về thói quen, tập quán của người dân nên rất khó thay đổi.

 - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Lượng người ăn thịt chó còn quá lớn

Ông Khương Trần Phúc Nguyên cho rằng tình hình buôn bán thịt chó ở TP HCM khá phức tạp. Cái khó nhất hiện nay là việc giết mổ, kinh doanh thịt chó không được kiểm soát, người ăn rất dễ bị lây các mầm bệnh nguy hiểm như dại, các loại sán.

Từ rất lâu, TP HCM đã vận động người dân hạn chế và dần hướng đến bỏ thói quen này nhưng gặp nhiều khó khăn bởi lượng người ăn thịt chó còn quá lớn.

Mất kiểm soát khâu giết mổ, dịch bệnh

photo-4

Hà Nội: thịt chó vẫn bày bán tràn lan

Quốc lộ 32 đoạn qua xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội), việc buôn bán thịt chó nhộn nhịp. Ở Đức Thượng, bán thịt chó không chỉ là nghề mà còn là món ăn thường xuyên, dù trước đó giữa năm 2018 TP Hà Nội cũng đã vận động người dân từ bỏ ăn thịt chó.

Chỉ một đoạn đường chưa đầy 1km trên quốc lộ 32 thuộc xã Đức Thượng nhưng có đến trên 20 điểm kinh doanh chó thịt. Chó, mèo sống được bày ra cửa mời chào khách. Bà H. (xã Đức Thượng) cho biết từ ngày TP Hà Nội vận động người dân bỏ ăn thịt chó, lượng thịt bán ra vẫn tăng đều.

"Tôi ngày nào cũng bán. Mặc dù TP vận động nhưng nhu cầu vẫn cao và đây cũng là nghề gia truyền" - bà H. nói.

Một gia đình khác cách nhà bà H. khoảng mấy chục mét cũng vừa làm thịt xong 2 con chó, bày ra bàn bán cho khách.

"Đọc báo thấy ở nhiều nước châu Á kinh tế phát triển hơn Việt Nam họ vẫn ăn thịt chó nên không có lí do gì mà Việt Nam lại cấm. Gia đình tôi nuôi chó cảnh nhưng tôi vẫn bán chó thịt vì hiện nay nhu cầu thị trường còn rất cao..." - người này nói.

Đà Nẵng: không kiểm soát được khâu giết mổ

Tại Đà Nẵng, số lượng hàng quán bán thịt chó không phổ biến và người dân cũng ít ưa chuộng loại thực phẩm này. Tuy nhiên, rải rác trong khu dân cư vẫn có các cơ sở phục vụ món thịt chó.

Theo Ban quản lí an toàn thực phẩm Đà Nẵng, hiện thịt chó không nằm trong danh mục động vật phải kiểm soát giết mổ theo thông tư 09-2016 của Bộ NN&PTNT, do đó việc kiểm soát khâu giết mổ thịt chó hoàn toàn bỏ ngỏ.

Trong các quy định, văn bản nhà nước cũng không đề cập tới thịt chó như một loại thực phẩm nên việc quản lí loại hình này có khó khăn.

Thực tế, việc giết mổ thịt chó tại Đà Nẵng hầu hết đều do chính các hàng quán thực hiện tại chỗ. Đa số các hàng quán kinh doanh thịt chó đều thuê đất, dựng lều bạt tạm bợ nên việc đảm bảo vệ sinh trong giết mổ, chế biến rất đáng quan ngại.

Một chủ quán thịt chó trên địa bàn P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) cho biết vấn đề nguồn gốc chó các hàng quán nhập về phục vụ cũng đáng lưu ý. Theo đó, để tối đa lợi nhuận, không ít chủ quán nhập chó bệnh, chó bị đánh bả chết để chế biến.

Chủ quán này cho biết trong nghề, số cơ sở thu mua, phục vụ chó khỏe chỉ là số ít. Tuy nhiên, khi chế biến lên thì thực khách khó mà phân biệt được đâu là chó khỏe, đâu là chó bệnh nên nguy cơ nhiễm mầm bệnh từ món thịt chó là rõ ràng có.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.