Theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này, Bộ Tài Chính đã đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ để tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động này.
Bộ Tài Chính đề xuất bổ Bộ Công an tham gia quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ để tăng cường quản lý, giám sát. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố, đến hết năm 2015, cả nước hiện có 3 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động. Cụ thể TP HCM đã cấp Giấy chứng nhận an ninh, trật tự cho 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong quá trình hoạt động, 18 cơ sở đã ngừng và tạm ngừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả, khó khăn về nhân sự, thu hồi mặt bằng... Hiện chỉ còn lại 16 cơ sở đang hoạt động. Ngoài ra, TP Đà Nẵng hiện có 4 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tỉnh An Giang có 1 doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết tuy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không đủ tiêu chuẩn và hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đã hạn chế nhưng số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này ngày càng thu hẹp. Hiệu quả kinh doanh loại hình dịch vụ này thấp vì đây là ngành nghề đặc thù, còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, trình độ quản lý, nghiệp vụ thu hồi nợ của các doanh nghiệp còn kém.
Do tính chất nhạy cảm của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nên trên thực tế còn tồn tại những sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như vụ Công ty Tai Ga (trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên Chi nhánh công ty Công Lý (trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…
Tuy nhiên, tại Nghị định 104/2007, trách nhiệm Bộ Công an chưa được quy định, lực lượng công an lại không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời cần nâng cao vai trò của lực lượng công an nhân dân trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này do chỉ có lực lượng công an mới có đủ lực lượng, phương tiện và nghiệp vụ để đưa hoạt động này vào nề nếp.
“Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết để tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động này”, Bộ Tài chính nhận định.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và có trách nhiệm sau đây: 1. Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 2. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 3. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. |