Ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Phạm Nhật Vũ (47 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG) để điều tra tội Đưa hối lộ, theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc ra quyết định tố tụng với ông Vũ nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan.
Ông Phạm Nhật Vũ. (Ảnh: Bộ Công an cung cấp).
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra bổ sung quyết định khởi tố bị can với hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) về tội Nhận hối lộ, theo điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo VietnamFinance, là người kín tiếng, nhưng mỗi lần xuất hiện, ông Phạm Nhật Vũ lại khiến thương trường "dậy sóng". Lần đầu ông Vũ gây xôn xao dư luận là vào năm 2010 khi công ty do ông làm chủ giành được việc độc quyền phát sóng giải đấu V-League trong 20 năm.
Trong suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000, ông Vũ làm ăn tại Liên Xô, sau đó trở về nước kinh doanh bất động sản.
Năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu về truyền hình trả tiền – bước đi đầu tiên để 4 năm sau, Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG chính thức ra đời và phát sóng 2 năm sau đó.
Với vốn điều lệ 1.800 tỉ đồng và sự đầu tư bài bản của ông Phạm Nhật Vũ, AVG đã có bước phát triển khá để đến hôm nay trở thành đơn vị nắm giữ số lượng giấy phép nhiều nhất trong số các doanh nghiệp truyền hình trả tiền được cấp phép. Công ty này hiện được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên hệ thống số mặt đất DVB-T2, số vệ tinh DVB-S2 và truyền hình Internet.
Cũng theo thông tin trên tờ báo này dẫn nguồn tin từ báo Úc cho biết ông Phạm Nhật Vũ đã mua một trại gia súc tại đây. Theo đó, trang trại Vermelha Station cùng 10.000 con bò trong trang trại đã được bán cho Công ty An Vien Pastoral Holding and Agriculture với giá 18 triệu đô Úc, tương đương 13,6 triệu USD.
Gia súc tại trang trại Vermelha Station ở Northern Territory, Úc.
Trang trại Vermelha Station rộng hơn 2.039 km2, nằm cách thị trấn Katherine, cách thành phố Katherine 200km về phía nam, dọc đường cao tốc Stuart Highway.
Dữ liệu từ Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc cho biết cổ đông chính của công ty là ông Phạm Nhật Vũ, cũng là Chủ tịch Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Bà Sue Brosnan, chuyên viên địa ốc phụ trách việc mua bán, cho biết trang trại có khoảng 10.000 con bò giống Brahman. Bà Sue nói: "Ngay cả ở thời điểm vào mùa khô, những con bò ấy vẫn ở trong tình trạng thực sự tốt. Trại nuôi bò này cũng được cải tạo cả về hàng rào, những con đường, sân bãi và nước. Quanh khu vực này có nhiều nông dân gốc Việt đang làm ăn sinh sống và rất thành công, nhưng đa số họ chỉ trồng trái cây, rau củ".
Theo nghiên cứu của chính quyền Northern Territory, thổ nhưỡng tại trang trại Vermelha Station, trước đây thuộc quyền sở hữu của Lyn and Bobbie Brazil, cũng rất thích hợp cho các dự án thủy lợi.
Hãng tin ABC cũng cho hay, hồi đầu năm nay, tập đoàn CT Group của Việt Nam đã tính mua lại trang trại Vermelha này để phát triển vườn thanh long nhưng không đạt được thỏa thuận.
Ngoài ra, ông Phạm Nhật Vũ đầu tư chính vào khoáng sản và truyền thông.
Trong một lần tiếp xúc với báo chí, ông Vũ giới thiệu mình là một cư sĩ ở ẩn, tu tại gia và theo đạo Phật. Ông Vũ được công chúng biết đến nhiều hơn khi mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm.
Trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán không có tên ông Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên, giới kinh doanh địa ốc, khoáng sản và truyền thông chắc chắn không có ai không biết đến ông Vũ.
Liên quan đến thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, theo VnExpress, tháng 1/2016, MobiFone đã chính thức công bố thông tin.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Thanh tra Chính phủ, trong kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đã xác định việc mua bán này là vi phạm kinh tế rất nghiêm trọng.
Dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỉ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỉ đồng..
Khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hoạt động kinh doanh của AVG vẫn "rất khó khăn", chứ không "khả quan" như MobiFone báo cáo. Tổng tài sản AVG là hơn 3.260 tỉ đồng, trong đó, nợ phải trả là hơn 1.266 tỉ đồng và giá trị còn lại của tài sản cố định chỉ hơn 208 tỉ đồng.
Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 xấp xỉ 1.633 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng.
Sau kết luận Thanh tra, MobiFone và AVG hủy hợp đồng. Nhóm cổ đông AVG trả lại hơn 8.500 tỉ đồng, gồm toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỉ đồng cho các chi phí liên quan.
Cụ thể, cách đây 1 năm, ngày 12/3/2018, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Mobifone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bàn bạc, thoả thuận về Hợp đồng mua cổ phần AVG của Mobifone.
Theo đó, hai bên đã thống nhất huỷ bỏ Hợp đồng mua cổ phần của Mobifone với AVG. Phía AVG nhận lại cổ phần công ty và hoàn trả các khoản tiền đã nhận từ Mobifone, trong khi phía Mobifone làm các thủ tục huỷ bỏ Hợp đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ cho biết, sở dĩ AVG đồng ý hủy hợp đồng là bởi vì từ khi được mua lại, Mobifone đã không vận hành, phát triển công ty này đúng như kể hoạch, để lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
Liên quan vụ án, nhà chức trách đã khởi tố hơn 10 cán bộ trong đó có hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn; ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), bà Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) và Phạm Đình Trọng (48 tuổi, cựu vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông).