|
Mới đây, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ theo hướng tinh gọn, tránh cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, theo dự thảo nêu trên thì các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ dự kiến sẽ sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị (còn 30 đơn vị so với 35 đơn vị hiện hành).
Được biết, hiện Bộ Công thương đang được giao quản lý 11 viện nghiên cứu, 35 trường đào tạo trực thuộc Bộ, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ.
Để thực hiện sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, Bộ Công Thương đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các trường đào tạo thuộc Bộ theo nguyên tắc sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các cơ sở đào tạo.
Theo Bộ Công thương, việc sắp xếp nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công thương; tinh gọn đầu mối quản lý, giao tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo; tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo trên cơ sở chọn các trường có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân.
Đối với viện nghiên cứu thuộc Bộ, Bộ Công thương đã và đang thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, xã hội hóa hoạt động của các viện nghiên cứu.
Đáng chú ý là Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, bảo đảm khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng chú trọng sử dụng cán bộ trẻ, có năng lực; rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự; rà soát, bổ sung công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ nhằm sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành công khai, minh bạch đúng quy định.