Sáng nay (21/8), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm học 2016 - 2017 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học mới 2017 - 2018.
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học học 2016 - 2017, ngành Giáo dục đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong năm học 2016-2017 vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Đình Tuệ. |
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý giáo dục ở Trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng vấn đề cụ thể.
Đồng thời, thảo luận đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới, xem các nội dung này đã đúng, trúng chưa, trên cơ sở đó cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị tập trung thảo luận về 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:
Một là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Hai là, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Tại báo cáo đánh giá tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, năm học 2016 - 2017, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận còn rất nhiều hạn chế, yếu kém như quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đình Tuệ. |
Phương thức dạy nghề trong các trường phổ thông còn nặng về kiến thức lý thuyết, việc phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa hiệu quả.
Công tác tự chủ, trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việc ban hành văn bản còn chậm, chưa đồng bộ; công tác xử lý vi phạm sau thanh tra ở một số địa phương chưa nghiêm. Chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền. Một bộ phận giáo viên còn hạn chế năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp ở một số địa phương còn thấp.
Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình GDPT chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra.Việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều gây nhiều khó khăn.
'Đầu năm thầy cô đi bản vận động học trò đến lớp vất vả lắm, nơi xa nhất đến 70km' Trong số 5 điểm trường của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu), điểm xa trung tâm ... |