Mới đây, trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện thông tin chưa được kiểm chứng về việc sẽ tăng điểm liệt lên 3 điểm ở kỳ thi THPT quốc năm 2018 khiến nhiều em học sinh hoang mang, lo lắng.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh minh họa. |
Theo những thông tin được lan truyền trước đó, năm 2017 số bài thi THPT bị điểm liệt giảm đáng kể so với năm trước. Nguyên nhân là do năm nay phần lớn các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm, chỉ có môn Ngữ văn thi tự luận. Điều này tạo điều kiện cho các thí sinh dễ dàng đạt điểm cao và khó bị điểm liệt.
Thậm chí nhiều thí sinh chỉ cần khoanh bừa cũng có thể đạt điểm bài thi trên 1 điểm. Do đó, đã có chuyên gia kiến nghị tăng điểm liệt lên 3 điểm ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Ngoài ra, với cơn mưa điểm 10 của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng đề thi chưa hẳn đã đánh giá đúng thực lực của thí sinh vì về cơ bản đề thi năm nay khá dễ, thí sinh khoanh bừa cũng có thể đạt điểm cao.
Để hạn chế việc học tủ, học vẹt vẫn đang còn tồn đọng và tăng tính đánh giá, phân loại thí sinh của đề thi, các chuyên gia đề xuất Bộ GD&ĐT nên có phương án trừ điểm nếu chọn đáp án sai. Mức trừ đang được đề xuất là 1/3 điểm của mỗi câu hỏi.
Không chỉ vậy, có ý kiến còn cho rằng nên tăng số đáp án lên 5 cho mỗi câu hỏi.
Ngay lập tức, thông tin này đã khiến nhiều em học sinh lo lắng và hoang mang. Có em còn bày tỏ sự bức xúc, nếu Bộ áp dụng theo đề xuất này thì sẽ rất thiệt thòi cho các thí sinh khi đã làm bài sai lại còn bị trừ điểm. Rồi việc nâng điểm liệt từ 1 điểm lên tới 3 điểm - điều chưa từng có tiền lệ trong ngành giáo dục.
Liên quan đến những băn khoăn trên, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Bộ GD&ĐT để tìm hiểu câu trả lời.
Trao đổi với chúng tôi trong chiều ngày 22/8, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Đó đều là những tin đồn thiếu căn cứ. Đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn chưa chốt phương án nào đối với các đề xuất như tăng điểm liệt lên 3 điểm cả.
Cũng theo ông Trinh, tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 diễn ra ngày 21/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã đưa ra một số chỉ đạo về công tác thi THPT quốc gia. Theo đó, Bộ sẽ nghiên cứu giữ nguyên phương án thi nhưng sẽ có một số cải tiến về mặt kỹ thuật để đảm bảo tính khách quan, an toàn của kỳ thi vào năm 2018.
"Hôm nay Bộ cũng đã tổ chức họp bàn để phân công các bộ phận liên quan lên kế hoạch cho việc xem xét, triển khai kế hoạch theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Thời điểm này, các em học sinh không nên quá hoang mang bởi các thông tin ngoài luồng không chính thống.
Bao giờ Bộ có thông báo chính thức về quy chế, phương án thi THPT quốc gia 2018 thì lúc đó mới là thông tin chính xác", PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định.
Nhiều Sở 'xin' Bộ lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới Do còn nhiều vướng mắc trong khâu chuẩn bị về nhân sự và cơ sở vật chất, nhiều địa phương đã kiến nghị với lãnh ... |