Trước phản ứng của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng về việc Bộ GD&ĐT cho rằng không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.
TS Lê Mỹ Phong, phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, mục đích của việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đối với các đại học, học viện, trường đại học nhằm “chụp ảnh”, phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện ĐBCL cơ bản hiện có của trường ĐH.
Cụ thể là nhằm, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH trong việc công khai các điều kiện ĐBCL của nhà trường; Giúp cho các trường ĐH khẳng định điều kiện ĐBCL của mình trước xã hội.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học, cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.
"Công tác thẩm định, xác nhận các điều kiện ĐBCL của trường ĐH cũng là thể hiện trách nhiệm công khai của nhà trường theo quy định. Việc công khai các điều kiện ĐBCL để phản ánh trung thực, khách quan các điều kiện ĐBCL hiện có của trường. Việc này không có nghĩa là tất cả các trường đã được thẩm định, xác nhận đều đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (KĐCL) trường ĐH", ông Phong nhấn mạnh.
TS Lê Mỹ Phong, phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT. |
Thưa ông, đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết Đảng và Nhà nước nhiều lần chỉ đạo khuyến khích các trường kiểm định quốc tế. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của bộ là tước quyền tự chủ của trường, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ, ông nghĩ sao?
Nhà trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL thực hiện theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT ngày 27/3/2017 cũng là KĐCLGD.
Cần thấy rõ: Hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL không phải là kiểm định, việc Bộ GDĐT giao cho các Trung tâm KĐCLGD huy động các chuyên gia thực hiện là để tăng thêm tính độc lập, khách quan của công tác này.
Bộ GDĐT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác.
Bộ có trách nhiệm tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách để phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có lĩnh vực đảm bảo và KĐCLGD.
Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, cùng với việc KĐCL các trường ĐH, các CTĐT theo bộ tiêu chuẩn hiện hành, Bộ GDĐT chủ trương đẩy mạnh KĐCL giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, khuyến khích các trường thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức KĐCLGD nước ngoài có uy tín.
Chưa bao giờ Bộ GD&ĐT có yêu cầu các trường ĐH chỉ phải thực hiện kiểm định theo hệ thống của Bộ như đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề cập.
Cho tới nay, các tiêu chuẩn cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo trong nước đã được ban hành theo hướng tiếp cận với Mạng lưới ĐBCL các trường đại học ASEAN (AUN-QA).
Các trường được tự lựa chọn việc đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ ban hành hoặc tiêu chuẩn của các tổ chức KĐCLGD nước ngoài có uy tín. Đã có 06 trường được đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của nước ngoài (AUN-QA và HCERES), trong đó có 04 trường đã được công nhận; 92 chương trình đào tạo đã được đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN-QA, CTI, ABET, ACBSP, FIBAA...
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng khuyến khích và đánh giá cao các trường ĐH tham gia xếp hạng, gắn sao với các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, trường Đại học Tôn Đức Thắng phản ánh, Thanh tra của Bộ và Trung tâm Kiểm định vào trường làm việc về cùng một vấn đề, nghĩa là "trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần", như vậy có đúng không?
Hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng, còn thành phần tổ thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL là những chuyên gia do Trung tâm KĐCLGD lựa chọn, phần lớn đến từ các trường ĐH khác đến để “chụp ảnh” lại các điều kiện ĐBCL cơ bản của trường để hai bên cùng xác nhận, sau đó, kết quả này sẽ cho công khai cho xã hội biết và giám sát.
Bộ GD&ĐT nhận được phản ánh của các Trung tâm KĐCLGD về việc có trường viện lý do đang tiến hành kiểm định và đã được thanh tra, kiểm tra để không hợp tác thực hiện công tác thẩm định và xác nhận, kèm theo lý giải của các trường.
Bộ GD&ĐT cũng đã có Công văn số 2728/BGDĐT-QLCL ngày 27/6/2017 gửi các trường về việc này, yêu cầu các trường hợp tác với các Trung tâm KĐCL để thực hiện công tác thẩm định, xác nhận điều kiện ĐBCL theo kế hoạch chung đã ban hành.
Qua trao đổi với báo chí, lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho hay, Bộ GDĐT chỉ định Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng kiểm định trường đúng lúc trường đang kiểm định nội bộ, nên chưa thể thực hiện đánh giá ngoài ngay. Thậm chí nhà trường cũng đã có văn bản gửi Trung tâm KĐCLGD và công văn phản hồi gửi đến Cục Quản lý chất lượng. Vậy tại sao Bộ GD&ĐT lại có kết luận là cá biệt, không hợp tác thẩm định?
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức KĐCLGD trong số các tổ chức KĐCLGD được Bộ GDĐT công nhận để KĐCL.
Bộ GDĐT không chỉ định Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng kiểm định Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà chỉ phân công Trung tâm KĐCLGD này thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL cho 48 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, trong đó có Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL với hoạt động KĐCLGD.
Các ý kiến trao đổi, phản hồi của Trường chỉ đề cập đến việc nhà trường đã và đang làm một số khâu đầu tiên của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, mà không hợp tác với Trung tâm KĐCLGD thực hiện việc thẩm định theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT của Bộ GDĐT đã ban hành như tất cả các trường ĐH khác.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm. Do đó, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của bộ là tước quyền tự chủ của trường thì có đúng không?
Nói “Kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm” thậm chí cho rằng “kiểm định trong nước là chuyện tào lao” là những nhận xét thiếu căn cứ, không đúng thực tiễn và đi ngược lại với những nỗ lực đáng ghi nhận của tuyệt đại đa số các trường ĐH nước ta trong quá trình đổi mới.
Nhận định này cũng phủ nhận sự nỗ lực của các Trung tâm KĐCL cũng như sự cố gắng của cả hệ thống để đưa hoạt động KĐCL ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian qua.
Nhận định này cũng thể hiện người nói chưa hiểu đầy đủ, chưa sâu về Bộ tiêu chuẩn đánh giá trường ĐH cũng như quy trình KĐCL trường ĐH. Bởi, trước khi tiến hành đánh giá ngoài một trường ĐH, Trung tâm KĐCLGD thẩm định về hình thức và nội dung của các Báo cáo tự đánh giá.
Trong thời gian qua, có 14 trường có Báo cáo tự đánh giá chưa đạt yêu cầu nên các Trung tâm KĐCLGD sau khi thẩm định đã không chấp nhận ký hợp đồng đánh giá ngoài.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/11/2017, cả nước có 213 trường đại học hoàn thành tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn trong nước. Trong số đó, nhiều trường ĐH có truyền thống lâu đời, có uy tín và thương hiệu đã đăng ký đánh giá ngoài những đợt đầu với 4 Trung tâm KĐCL giáo dục.
Các Trung tâm KĐCLGD sau khi đã thẩm định các báo cáo tự đánh giá theo đề nghị của trường, đã tiến hành đánh giá ngoài cho 78 trường ĐH, trong đó có 50 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng với sự khác biệt khá rõ về số lượng tiêu chí đạt yêu cầu và có 04 trường không đủ điều kiện để được công nhận.
Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, việc công khai, minh bạch điều kiện ĐBCL ngày càng quan trọng, là trách nhiệm của các trường ĐH.
Để có được thông tin chính xác, công khai cho xã hội, việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL là một hoạt động chuyên môn cần thiết, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ của các trường. Hơn nữa, hoạt động này còn giúp cho các trường thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước xã hội về các điều kiện ĐBCL cơ bản của mình.
Liên quan đến hoạt động này, các trường được tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh, được chủ động kê khai các điều kiện ĐBCL để công khai trên mạng, được chủ động cung cấp các minh chứng để chứng minh việc kê khai của mình là đúng trước Tổ thẩm định của các Trung tâm KĐCLGD.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
'Không hợp tác thẩm định chất lượng', ĐH Kinh doanh và Công nghệ nói gì?
Đại diện Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết rất bất ngờ khi hay tin Bộ GD-ĐT thông báo trường này ... |