Kỳ vọng nào cho giáo dục đại học Việt Nam năm 2019?

TS Phạm Thị Ly cho rằng giáo dục đại học Việt Nam đang có những bước chuyển mạnh mẽ, đáng ghi nhận nhưng vẫn còn không ít vấn đề gây tranh cãi trong quá trình phát triển.

Năm 2018, chúng ta chứng kiến một số chuyển động rất đáng chú ý của giáo dục đại học Việt Nam. Liệu những chuyển động này sẽ tạo ra ảnh hưởng như thế nào cho giáo dục đại học năm nay và những năm sắp tới?

Thị trường giáo dục đại học đang ngày càng rõ nét

Một xu hướng nhất quán trong những năm qua là nhu cầu mở rộng tự chủ của các trường và sự nới rộng dần dần của cơ quan quản lý Nhà nước. Cả ba bên - nhà trường, Nhà nước và xã hội - đều hiểu rằng mở rộng tự chủ là con đường không thể tránh để nâng cao năng lực trước áp lực thay đổi ngày càng tăng của nền kinh tế.

Tuy vậy, một số điểm nghẽn chưa được giải quyết khiến quá trình này tiến triển khá chậm. Đó là sức ỳ tư duy theo lối mòn, là quyền lợi của các nhóm lợi ích, là một cơ chế trách nhiệm giải trình khả thi cho các trường cả công và tư.

ky vong nao cho giao duc dai hoc viet nam nam 2019
TS Phạm Thị Ly cho rằng giáo dục đại hoc Việt Nam đang có những bước đi tiệm cận thế giới nhưng cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Ảnh: M.N.

Trong khi đó, cuộc sống vận động không ngừng, với những lối đi của riêng nó, không chờ đợi các nhà làm chính sách. Khu vực giáo dục đại học tư, trong những năm gần đây, tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sự tham gia của những tập đoàn lớn như VinGroup hay Nguyễn Hoàng Group cho thấy mức độ hứa hẹn sôi động và quá trình tiến tới kinh doanh chuyên nghiệp của thị trường giáo dục. Những thương vụ mua bán, sáp nhập trong năm qua là minh chứng rõ nét cho điều này.

Khu vực công cũng đang ngày càng năng động hơn. Tuy về bản chất trường công vận hành với những nguyên tắc khác với trường tư, khoảng cách này trong thực tế có vẻ ngày càng ngắn lại.

Tất nhiên, xét về nguồn gốc, chức năng, sứ mệnh, cơ chế tài chính, trường công khác và cần phải khác với trường tư. Nhưng nhìn vào nội dung hoạt động của các trường, chúng ta không thấy có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, về các ngành đào tạo, tiêu chuẩn tuyển sinh, mức học phí..., ranh giới công và tư đang mờ dần.

Một xu hướng khác đáng ghi nhận là những nỗ lực hội nhập quốc tế. Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam giờ đây được đo lường bằng những thước đo thành quả được quốc tế công nhận. Trắc lượng khoa học, cũng như những tiêu chuẩn về đạo đức nghiên cứu đang trở nên quen thuộc trong đời sống học thuật ở Việt Nam. Lý do là ngày càng có nhiều người đi học ở các nước phát triển trở về, mang theo những kinh nghiệm mới.

Ngoài thành tích đang tăng, nếu xét về số lượng so với những năm trước, một biểu hiện của xu hướng này là những chuyện ồn ào quanh vấn đề học hàm, học vị và đạo văn đã dẫn tới những quy định mới về đào tạo tiến sĩ, công nhận văn bằng và xét phong học hàm giáo sư. Những quy định mới này đã tiếp thu chuẩn mực quốc tế, nhằm cải thiện chất lượng đội ngũ làm khoa học.

Trong bối cảnh đó, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi được thông qua. Liệu những thay đổi lần này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển trong những năm sắp tới của cả hai khu vực công và tư trong giáo dục đại học?

Cốt lõi vẫn là tự chủ và sự tham gia của các bên

Nhằm tháo gỡ những điểm vướng mắc nói trên, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi tập trung một số vấn đề lớn. Đó là hội đồng trường ở trường công và vấn đề không vì lợi nhuận ở trường tư.

Để đáp ứng ý kiến chỉ trích của giới học thuật trước đây về việc hội đồng trường chỉ tồn tại một cách hình thức, không có vai trò thực sự, do không có thực quyền, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã quy định hai điểm quan trọng chưa có trước đây.

Một là chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các vai trò khác ở trong trường. Hai là hội đồng trường sẽ đóng vai trò chính trong việc lựa chọn hiệu trưởng, Bộ GD&ĐT chỉ thực thi vai trò quản lý Nhà nước, tức công nhận hiệu trưởng.

Xét về cơ chế quản trị, các nhà làm chính sách đã tạo điều kiện để các trường chủ động xây dựng mô hình quản trị phù hợp. Một điểm rất đáng ghi nhận là trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này, các nhà làm chính sách đã đưa hẳn khái niệm “các bên liên quan” vào định nghĩa của hội đồng trường: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

Việc đưa vào luật khái niệm “các bên liên quan” là một bước tiến quan trọng về mặt tư duy. Nói về cơ chế quản trị, thực chất là cơ chế ra quyết định. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những quyết định được đưa ra với sự tham gia của những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi nó, thường là quyết định tốt nhất.

Vì thế, làm thế nào mở rộng dân chủ trong cơ chế ra quyết định sẽ là điều kiện quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã trao cho nhà trường thêm nhiều quyền tự chủ, và áp lực xây dựng thiết chế quản trị tốt để tăng hiệu quả hoạt động đang ngày càng tăng trong bối cảnh cạnh tranh.

ky vong nao cho giao duc dai hoc viet nam nam 2019
Thí sinh xem lại bài sau giờ thi đại học. Ảnh: A.T.

Tuy vậy, thực tế hiện nay, vai trò của “các bên liên quan” trong cơ chế ra quyết định của các trường vẫn còn rất yếu. Minh chứng cho điều này là tiếng nói của sinh viên.

Người học chắc chắn là bên liên quan quan trọng nhất của trường đại học, nhưng hiện nay họ hầu như không có vai trò gì trong hoạt động quản trị nhà trường. Vẫn phổ biến lối tư duy xem người học là đối tượng để giáo dục, quản lý, và là nguồn tiền, trong lúc lẽ ra phải xem họ là một đối tác đầu tư.

Người học chẳng những đã đầu tư vào trường qua học phí, mà còn đầu tư thời gian, công sức, chi phí cơ hội của cuộc đời. Thái độ của nhà trường đối với người học, và thái độ của người học đối với nhà trường là một trong những điểm khác biệt rõ nét nhất, dễ thấy nhất giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học ở những quốc gia phát triển.

Ở những nền giáo dục đã trưởng thành, sinh viên là một phần rất quan trọng, tạo ra khuôn mặt của nhà trường. Bốn năm học đại học không phải chỉ bao gồm những buổi lên lớp và những bài thi hết môn, mà còn là thể thao, hoạt động cộng đồng, thực hiện trải nghiệm kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm.

Sinh viên và cựu sinh viên là thành phần không thể thiếu trong cơ cấu hội đồng trường đối với nhiều cơ sở giáo dục, nhằm bảo đảm rằng nhà trường đáp ứng tốt nhất những nhu cầu và mong đợi của họ.

Sự tham gia của các bên khác, như doanh nghiệp và các hiệp hội chuyên ngành trong cơ cấu hội đồng trường, đến nay, vẫn còn mang tính chất hình thức. Tuy Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có quy định về thành phần này trong hội đồng trường, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần.

Điều kiện đủ là động lực thực sự của nhà trường, nhu cầu gắn kết với các doanh nghiệp, là một cơ chế hợp tác "win-win" giữa hai bên. Nhìn bên ngoài, có vẻ sinh viên và các doanh nghiệp là các bên liên quan khác nhau đối với nhà trường và độc lập với nhau, nhưng thực ra, tiếng nói của sinh viên càng mạnh thì động lực của nhà trường trong việc gắn kết các doanh nghiệp càng lớn. Mối quan hệ với doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường mà trước hết là cải thiện chất lượng đào tạo, vốn là mối quan tâm trực tiếp của người học.

Vấn đề thứ hai là trường đại học tư không vì lợi nhuận. Có thể nói, đây là “món nợ” nhiều năm qua của các nhà làm chính sách đối với xã hội và đối với giới đầu tư giáo dục.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã “trả” món nợ này bằng những giải pháp đặc thù trong bối cảnh Việt Nam. Cách xử lý của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi là sự pha trộn giữa những quan niệm phổ quát trên thế giới về đại học không vì lợi nhuận và những biến đổi cho phù hợp thực tế Việt Nam, mà điểm quan trọng nhất là vẫn thừa nhận sở hữu tư nhân đối với loại trường này, chỉ có lợi nhuận là không phân chia.

Tinh thần của luật là trao quyền chủ động tối đa cho nhà đầu tư, vì thế xét cho cùng, cũng không có khác biệt lớn giữa các trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Điều này sẽ tác động ra sao đến bức tranh của giáo dục đại học tư trong những năm sắp đến?

Nó còn tùy thuộc các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với loại hình không vì lợi nhuận. Luật đã có một quy định rất hợp lý là khi xử lý vấn đề tài sản của các trường không vì lợi nhuận, những tài sản do Nhà nước ưu đãi mà có, ví dụ như đất đai, và tài sản hiến tặng của tổ chức/cá nhân, sẽ không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.

Dù vậy, nhà trường vẫn được hưởng lợi rất đáng kể từ những chính sách này. Một số trường gần đây đăng ký hoạt động không vì lợi nhuận, cho thấy các nhà đầu tư khá hào hứng với quy định mới về trường không vì lợi nhuận. Cần phải có thời gian để đánh giá rằng những ưu đãi này rút cuộc mang lại lợi ích cho ai.

Trong khi chờ đợi, có thể hy vọng rằng những ưu đãi đối với loại hình không vì lợi nhuận sẽ giúp tích tụ nguồn lực và củng cố tầm nhìn dài hạn cho giới đầu tư giáo dục, hai điều kiện cơ bản trong số những điều kiện cần thiết để giáo dục đại học tư có thể phát triển lành mạnh.

ky vong nao cho giao duc dai hoc viet nam nam 2019 Bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học Việt Nam 5 năm qua

5 năm qua, số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, ...

ky vong nao cho giao duc dai hoc viet nam nam 2019 Trường đại học làm gì để đảm bảo chất lượng đầu vào?

Chuyện hy hữu trong ngành giáo dục về gian lận trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, khiến nhiều ý kiến lo ngại về chất ...

ky vong nao cho giao duc dai hoc viet nam nam 2019 Luật Giáo dục đại học cần sửa đổi phù hợp với thực tế

Câu chuyện Giáo sư Trương Nguyện Thành không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Hoa Sen và quay trở lại Mỹ làm ...

ky vong nao cho giao duc dai hoc viet nam nam 2019 Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Hàng trăm tổ hợp không có thí sinh nào đăng ký

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có ...

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.