Bộ GTVT vừa có báo cáo về việc đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT.
Cụ thể, Bộ này cho biết đã nghiêm túc thực hiện chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, chỉ đầu tư dự án áp dụng hình thức BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.
Đến nay, Bộ GTVT đã chuyển hình thức đầu tư của 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sang hình thức đầu tư công.
Bộ cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để dừng 4 dự án đã kí Hợp đồng, mới triển khai.
Đối với dự án mới, Bộ GTVT chỉ thực hiện theo hình thức BOT đối với các dự án xây dựng mới và tập trung chủ yếu đường bộ cao tốc.
Cũng theo Bộ GTVT, việc rà soát, xử lí các tồn tại, bất cập, vướng mắc về vị trí trạm BOT đã được Bộ GTVT thực hiện và báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại nhiều báo cáo từ năm 2015 đến nay.
Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét một cách cẩn trọng và có nhiều chỉ đạo cụ thể và kịp thời.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức đánh giá, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ.
Đến nay, 15/19 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đến nay đã ổn định.
Đối với 4 trạm bất cập còn lại, do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lí gặp nhiều vướng mắc.
Về chính sách miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đến nay, 100% các dự án BOT do Bộ GTVT quản lí đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá.
Đối với chủ trương giảm giá chung, chưa tăng giá: Đến nay, có 49 dự án BOT đã đến kì tăng giá theo hợp đồng, tuy nhiên do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá, do đó theo tính toán sẽ có nhiều dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022.
Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã kí kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu...
Với các dự án này, Bộ GTVT đã rà soát, tính toán cụ thể và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lí.
Về thu phí tự động không dừng, Bộ cho biết thời gian qua đã nỗ lực triển khai dự án hệ thống ETC, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí.
Đến thời điểm này, cơ bản các trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm thu phí trên các tuyến quôc lộ và cao tốc có lưu lượng lớn đã triển khai vận hành hệ thống ETC (40 trạm).
Đối với các trạm BOT còn lại, Bộ GTVT đã đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thứ 2 là Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) và một số đơn vị có kinh nghiệm về công nghệ triển khai thực hiện, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2020.
Đối với 4 tuyến cao tốc do VEC quản lí, Bộ đang phối hợp với Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và thẩm quyền để sớm triển khai ETC đối với các tuyến cao tốc này.