Bộ GTVT: 'Tất cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi'

Bộ GTVT đã đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi.
Bộ GTVT: Tất cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa).

Thành viên Chính phủ 'chốt' số phận xe hợp đồng dưới 9 chỗ thế nào?

Theo thông tin chúng tôi nhận được, mới đây, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng về việc tiếp thu ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có vấn đề "định danh" xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử.

Bộ GTVT cho biết, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với nội dung quản lý xe dưới 9 chỗ ngồi theo 2 phương án. Phương án 1 là xe hợp đồng; phương án 2 là xe taxi.

Với tổng số phiếu gửi xin ý kiến là 27, có 26 thành viên đã có ý kiến. Cụ thể, 26/26 thành viên thống nhất biểu quyết thông qua dự thảo Nghị định để ban hành. 

Trong đó, 15/26 thành viên chọn phương án 1 là xe hợp đồng; 8/26 thành viên chọn phương án 2 là xe taxi; 3/26 thành viên không chọn phương án nào và đề nghị đưa ra quy định riêng cho loại hình mới (không phải là taxi, cũng không phải là xe hợp đồng).

"Hiện tại hai quan điểm khác nhau về việc quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử (là xe taxi hay là xe hợp đồng) vẫn là vấn đề còn nhiều vướng mắc. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế khi đưa ra để quản lý, tác động rất lớn đến xã hội và hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã", Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT: Tất cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa).

Các "số phận" của xe hợp đồng có nhược điểm gì?

Theo Bộ GTVT, phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm là xe taxi (không có xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ) chưa phù hợp với quy định của Luật giao dịch điện tử năm 2005.

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định hình thức kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (kể cả xe dưới 9 chỗ) nên việc quy định là xe taxi là chưa phù hợp.

Bộ GTVT cũng cho biết, phương án trên sẽ làm phát sinh chi phí để thực hiện đổi phù hiệu từ xe hợp đồng sang xe taxi, chi phí lắp đặt hộp đèn đối với khoảng 50 nghìn xe.

Phương án này cũng không theo đa số ý kiến của thành viên Chính phủ.

Với phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ được sử dụng hợp đồng điện tử, đồng thời xe taxi được sử dụng phần mềm tính tiền kết nối với hành khách, Bộ GTVT cho biết sẽ phát sinh một số quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh.

Việc phát sinh nhằm đảm bảo công bằng, phân biệt với xe taxi và quản lý chặt chẽ đối với loại hình này.

Ngoài ra, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử phải có bảng điện tử có chữ "XE HỢP ĐỒNG" lắp cố định tại vị trí trên mặt táp-lô phía trước bên phải người lái xe. Kích thước bảng điện tử tối thiểu 15 x 20 cm và phải được bật sáng khi xe tham gia giao thông.

Phương án này sẽ phát sinh chi phí để lắp đặt bảng điện tử trong xe đối với với khoảng 50 nghìn xe.

Xem thêm>>Vụ cao tốc 34 ngàn tỉ Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng: Bộ GTVT chỉ đích danh đơn vị phải chịu trách nhiệm

Bộ GTVT 'chốt' số phận xe hợp đồng dưới 9 chỗ

Về "số phận" xe hợp đồng dưới 9 chỗ, Bộ GTVT dẫn Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01/10/2016 về nguyên tắc làm việc của Chính phủ: "Chính phủ quyết định theo nguyên tắc đa số đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật". Ngoài ra, "Quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành.

Khi biểu quyết tại phiên họp Chính phủ cũng như khi sử dụng phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nếu số phiếu đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì quyết định theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết".

"Nếu theo đúng qui định này thì sẽ lựa chọn theo phương án 2", Bộ GTVT cho biết.

Tuy nhiên, theo Bộ này, quá trình thí điểm cho thấy, phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử là tương đối giống với xe taxi. Cụ thể, hai loại hình có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe...

"Mặc dù, việc quy định là xe taxi hiện còn có những hạn chế như đã nêu trên nhưng đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân", Bộ GTVT thông tin.

Do đó, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi.

Chiếu theo phương án trên, Bộ GTVT cũng đưa ra định nghĩa về taxi trong dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:

"Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử".

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.