Bỏ học, trầm cảm vì chọn nhầm ngành học

Các chuyên gia khuyên thí sinh cần cân nhắc thật kỹ về ngành mình đã chọn và những ngành mình muốn điều chỉnh nguyện vọng để tránh trở thành nạn nhân của chuyện “ngồi nhầm ngành học”.
bo hoc tram cam vi chon nham nganh hoc
Thí sinh lắng nghe tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại một ngày hội tuyển sinh. Ảnh: Thùy Trang

Trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển từ ngày 1/4 đến 20/4/2018. Theo Quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi. Các chuyên gia cho rằng thí sinh cần cân nhắc thật kỹ về ngành mình đã chọn và những ngành mình muốn điều chỉnh nguyện vọng, tránh trở thành nạn nhân của chuyện “ngồi nhầm ngành”.

Chán nản chuyện “ngồi nhầm”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều người cho biết bản thân chính là “nạn nhân” của việc “ngồi nhầm” trường, nhầm ngành trong thời gian học ĐH.

Bạn Nguyễn Hải từng là một sinh viên khoa Công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Sau 2 năm đầu ĐH, Hải đã nhận ra rằng mình không phù hợp với ngành này. Hải bắt đầu nghỉ học triền miên, kết quả học tập yếu, kém, số môn phải học lại ngày càng nhiều. Thậm chí, Hải chia sẻ rằng có môn còn không biết nổi mặt giáo viên vì “chán chẳng buồn đi học”.

Hải quyết định bỏ lại con đường trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin sau 3 năm học tập.

Bạn Lê Thảo sinh viên khoa Tiếng Trung, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGH chia sẻ: “Mình thích học ngoại ngữ nhưng trượt NV1 nên đã chọn ngành du lịch cho NV2. Bản thân thấy không hợp với nghề du lịch mà ước mơ của mình lại là giáo viên dạy ngoại ngữ. Bỏ hết thời gian và học phí thời gian qua, mình đã quyết tâm thi lại vào ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Lúc các bạn đồng trang lứa đã ra trường đi làm thì mình mới chỉ là sinh viên năm thứ 3.”

Thậm chí ngay từ khi bắt đầu, việc định hướng nghề nghiệp, chọn trường của học sinh đã gặp vấn đề. Nhiều em chưa phát hiện được khả năng của bản thân, hiểu mơ hồ về ngành mình chọn, thậm chí có em “chọn bừa” hoặc chọn theo sự quyết định của gia đình.

Thúy Hạnh là sinh viên năm thứ 3 khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết em vào trường theo NV2. “Ban đầu, nghe theo bạn, em nộp vào khoa Tuyên truyền, nhưng em không đủ điểm, nên em chọn khoa Xây dựng Đảng” – Hạnh thú nhận.

Sau một thời gian, bản thân Hạnh nhận thấy mình không phù hợp với ngành đang theo học. Hạnh đã chọn phương án học thêm văn bằng hai, chuyên ngành Báo Mạng điện tử trong trường để mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho bản thân. Hướng đi nào cho việc “ngồi nhầm”?

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, mỗi năm, trường ĐH Bách Khoa HN buộc phải cho thôi học khoảng 600 – 700 sinh viên. Trong số đó, một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên có tư tưởng chán nản, không còn hứng thú với ngành học và dẫn đến kết quả học tập yếu kém, thậm chí đã học vượt quá thời hạn học tập tối đa theo quy chế đào tạo nhưng không thể tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Phong Điền nói: “Thực tế tại không riêng tại trường ĐH nào, một số sinh viên có năng lực học tập tốt ở bậc phổ thông và thi đỗ vào ngành học mà nhiều sinh viên khác mơ ước. Tuy nhiên sau một thời gian, các em ấy cảm thấy không còn hứng thú với học tập, xuất phát từ việc cho rằng bản thân không phù hợp với ngành học.

Điều này dẫn đến việc sa sút trong kết quả học tập, có biểu hiện trầm cảm hay thậm chí là bỏ bê việc học giữa chừng. Đáng chú ý là một số em cho rằng gia đình mình đã can thiệp sâu, thậm chí áp đặt việc chọn trường, chọn ngành của các em để dẫn tới khó khăn này.”

Chính vì vậy, việc phát hiện và có giải pháp hỗ trợ sinh viên kịp thời là rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn để cứu vãn tình cảnh nan giải mà không ít sinh viên đang mắc phải.

PGS. TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho hay nhiều em học sinh chọn nhầm trường là do ban đầu, các em chưa có đủ thông tin để hiểu sâu, hiểu kỹ về trường, về ngành mình theo học. Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như nhiều trường khác đã tạo điều kiện cho sinh viên học song bằng. Ví dụ như sinh viên đang học ngành kinh tế có thể học thêm ngành báo chí trong cùng trường nếu đạt học lực khá trở lên sau kỳ I, năm nhất.

Trong khi đó, TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng, nếu đã chọn sai ngành cần tính toán như sau.

Phương án 1: Nếu có khả năng thi lại đại học hoặc có điều kiện tài chính để học trường tư, học nghề thì nên làm lại từ đầu. Thà bỏ một năm tuổi trẻ còn hơn sống vật vờ sai lối cả đời còn lại.

Phương án 2: Nếu không có khả năng thi lại (vì đã học đến năm hai, ba), hoặc không có điều kiện xin học trường khác, vẫn phải tiếp tục học, nhưng hãy tìm ra "ngách" nào thấy hứng thú.

Ví dụ, nếu thích kinh doanh nhưng lại học về chế biến thực phẩm, bạn có thể tiếp tục với mục tiêu ra trường kinh doanh trong lĩnh vực đồ ăn, thức uống.

Phương án 3: Nếu không có khả năng thi lại, ngành hiện tại chẳng có "ngách" nào để hứng thú và tài chính cũng nghèo nốt, bạn nên dừng lại, hoặc đi học nghề nào đó nuôi sống bản thân trước. Không ít người cố gắng học cho xong để có cái bằng ra đời kiếm kế sinh nhai, sau khi ổn định mới tính chuyện tìm ra đam mê theo đuổi.

Một khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho thấy có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ.
bo hoc tram cam vi chon nham nganh hoc Marx đã nói gì về việc chọn nghề trong bài luận tốt nghiệp trung học?

Nhân loại kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx (5.5.1818 - 5.5.2018), nhà tư tưởng lớn, lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng ...

bo hoc tram cam vi chon nham nganh hoc Thấy gì từ xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố thông tin chung (số liệu) về kỳ thi THPT Quốc gia 2018, cũng như số lượng nguyện vọng ...

chọn
Sắp xây toà nhà cao thứ ba Hà Nội?
Toà nhà Landmark 55 có tổng mức đầu tư 5.934 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội, sau Keangnam Landmark và Lotte Center Hà Nội (65 tầng). Chủ đầu tư Taseco Land cho biết dự kiến quý II/2024 xin giấy phép xây dựng, quý III/2024 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.