Bố mẹ sẽ làm gì khi con đi học về với một vết thương?

Mới đây liên tiếp xảy ra các vụ việc cô giáo bị phụ huynh hành hung do nghi ngờ đánh trẻ. Thay vì hành xử bạo lực như vậy, cha mẹ có thể làm gì khi con trở về nhà với một vết thương?
 

Hãy tưởng tượng bạn đi làm về và nhìn thấy con mình bị một cục u to ở đầu hay vết bầm tím ở chân, bạn ngay lập tức dùng bạo lực với người chăm sóc trẻ ở cùng bé ngày hôm đó (ông/bà/vợ/ chồng/ người giúp việc…). Tình huống đó nghe có vẻ hoang đường và tưởng như không bao giờ có thể xảy ra, cho đến khi có vụ việc một cô giáo Thái Nguyên bị phụ huynh hành hung hay vụ cô giáo mang bầu bị bắt quỳ xin lỗi trẻ. Phụ huynh đã dùng bạo lực với chính cô giáo của con mình - những người hàng ngày chăm sóc con, cho con ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh và học tập ở lớp để cha mẹ yên tâm đi làm.

bo me se lam gi khi con di hoc ve voi mot vet thuong
Cha mẹ có thể làm gì khi con trở về nhà với một vết thương? (Ảnh: Youngparents)

Khi nhìn thấy con bị đau, bị thâm tím chân tay hay chảy máu khi trở về từ trường học, tâm lý chung của các cha mẹ là xót con, thương con, cảm thấy lo lắng và cả tức giận… Tuy nhiên, hãy tự hỏi bản thân mình, có cha mẹ nào trong cả hành trình nuôi con khôn lớn, chưa từng một lần thấy con bị ngã, bị trầy xước, “u đầu mẻ trán”? Hoặc nhìn về tuổi thơ của mình khi còn nhỏ, có ai không lớn lên với một vài vết sẹo trên người? Khi nhìn nhận như thế, cha mẹ có thể bình tĩnh và bao dung hơn khi con mình trở về nhà với một vết thương. Từ đó bình tĩnh tìm hiểu và xử trí thay vì lao tới “xử lý” cô giáo của con mình.

Tìm hiểu thông tin: Có phải trẻ con cứ nói là tin không?

Cách đây 4 năm, khi tôi làm quản lý ở trường mầm non, có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Một phụ huynh chia sẻ rằng cách đây vài tuần con trai 3 tuổi của cô nói rằng bị thầy A đánh. Tôi đã mở to mắt ngạc nhiên vì tôi biết thầy A rất yêu trẻ, và vì tôi không hiểu tại sao bà mẹ bây giờ mới đề cập đến việc đó. Hóa ra khi nhận được thông tin từ con, bà mẹ đã hỏi đi hỏi lại cậu bé rất nhiều lần, đồng thời quan sát thầy giáo và lớp học. Cuối cùng, bà mẹ phát hiện ra không phải thầy giáo đánh con, mà do khi đi xuống cầu thang ngày hôm đó, thầy giáo đã dắt tay một bạn khác, khiến em bé cảm thấy tủi thân mà nói như vậy.

Tôi đã nghĩ rằng nếu phụ huynh nào cũng cẩn trọng, tinh tế, thấu hiểu và bình tĩnh như vậy, hẳn là một điều may mắn cho cô giáo và nhà trường.

bo me se lam gi khi con di hoc ve voi mot vet thuong
Phụ huynh cần đánh giá vấn đề một cách khách quan và đầy đủ hơn, (Ảnh: The Asian Parent)

Tôi đã nhiều lần thử nghiệm với các bạn nhỏ 3-5 tuổi, cùng một câu hỏi vài giây trước bé nói có và vài giây sau bé nói không. Chẳng hạn “con đi học có vui không”, “con có thích cô A không”, “ngày mai con có đi học không”. Trẻ em rất hồn nhiên và có thể không có chủ định bịa chuyện nhưng không có nghĩa là những cái gì các em nói ra là sự thật và được cân nhắc cẩn thận. Do vậy, bố mẹ cần hỏi nhiều lần, đưa ra các tình huống khác nhau, đặt ra các giả định… để hỏi con chứ không nên tin ngay vào lời con nói.

Bên cạnh hỏi con, bố mẹ có thể hỏi cô giáo và nhà trường để có thêm thông tin, từ đó đánh giá vấn đề một cách khách quan và đầy đủ hơn.

Khi con bị ngã trầy xước

Tôi biết có những cô giáo mầm non vào buổi sáng đón các con, thường săm soi quan sát rất kỹ xem trên người con có vết muỗi cắn nào không, có vết xước và bầm tím nào không. Hay khi một cô giáo khác hỏi: “cháu A bị làm sao mà sưng mặt thế”, cô giáo trả lời: “ở nhà đấy” với tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Áp lực này bắt nguồn từ việc rất nhiều phụ huynh phản ứng mạnh và căng thẳng khi con họ trở về nhà với vết trầy xước, thâm tím hay vài vết côn trùng cắn. Mặc dù mong muốn con trẻ được an toàn ở trường học là điều vô cùng chính đáng nhưng việc trẻ vô tình vấp ngã trong quá trình chạy nhảy, vận động ở trường là điều có thể xảy ra (cũng tương tự như ở nhà).

Các vấn đề bố mẹ cần cân nhắc là:

1. Tần suất của của những vụ việc tương tự trong lớp có nhiều không, lớp học có đảm bảo an toàn cho con không?

2. Cô giáo có bao quát và biết điều đã diễn ra với con không?

3. Cô giáo có chủ động và thành thật trao đổi với bố mẹ về sự việc không?

Với những lớp học không đảm bảo an toàn, cô giáo không bao quát trẻ và nói dối khi tai nạn xảy ra, tùy vào trường hợp cụ thể, bố mẹ có thể trao đổi với quản lý để tìm ra giải pháp hoặc chuyển trường.

bo me se lam gi khi con di hoc ve voi mot vet thuong
Một số bố mẹ trách móc và gây áp lực cho giáo viên vì không trông và kiểm soát trẻ, để cho con em mình bị đánh. (Ảnh: Naver)

Khi con bị bạn cắn, đánh

Tôi không thể nào quên được hình ảnh bà mẹ lao tới trường và nói to “đứa nào mới nứt mắt đã đầu gấu dám đánh con tôi” khi làm quản lý trong một trường mầm non. Hay một người ông đòi cô giáo xem bằng được mặt đứa đã đánh cháu ông, hay một người bà đòi nằng nặc chuyển lớp khi cháu bà bị cắn mấy lần liên tục trong một tuần.

Tôi hiểu sự xót xa của ông bà bố mẹ khi đứa con, đứa cháu mình nâng niu chăm bẵm lại trở về nhà với vết cắn còn hằn dấu răng, hay một vết xước ngay gần bên mắt trong khi bị bạn giành đồ chơi. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng về việc tranh giành, đánh nhau, cắn nhau ở độ tuổi nhỏ.

Trong đa phần trường hợp việc trẻ em đánh nhau, cắn, giành đồ chơi với bạn là các bé có ý đồ xấu, làm hại người khác, “đầu gấu”… Các em chỉ đơn thuần chưa biết cách nào tốt hơn, lành mạnh hơn để xử lý vấn đề. Những hành vi trên thường xảy ra ở độ tuổi 1-2 tuổi và giảm dần khi trẻ bước vào độ tuổi 2-3 tuổi. Trên 3 tuổi, đa phần trẻ em đã biết cách cùng chơi chung đồ chơi, chia lượt với bạn hay những cách khác lành mạnh hơn là đánh, cắn. Do vậy, không nên đánh giá xấu về các em bé đánh cắn bạn, dán nhãn bé là “côn đồ”, “đầu gấu”.

Một số bố mẹ trách móc và gây áp lực cho giáo viên vì không trông và kiểm soát trẻ, để cho con em mình bị đánh, nhưng thực tế chỉ cần cô giáo không để mắt ít giây, một vết cắn hay đánh đã được thực hiện.

Khi em bé bị bạn tranh giành đồ chơi, đánh, cắn (thường ở mức độ nhẹ, không nguy hiểm) em bé đồng thời có môi trường xã hội tự nhiên để học cách phản ứng và tự vệ. Dần dần, em sẽ biết cách tránh xa bạn hay đánh/ cắn đó, biết chạy lại cô giáo mỗi khi thấy bạn sắp tấn công, và cao hơn, biết hét lên “dừng lại’ khi bạn sắp hành động. Đây là kỹ năng xã hội em bé cần phải có để dần dần biết cách tự bảo vệ mình, dần dần không còn là em bé “nhìn mặt là biết dễ bị bắt nạt” nữa. Đây là điều quý giá mà em cần phải trang bị cho bản thân, bởi vì ông bà bố mẹ không thể ngồi sẵn trong balo rồi nhảy ra cứu em khỏi tất cả các lần bị bắt nạn, tranh giành mà em gặp trên đường đời.

bo me se lam gi khi con di hoc ve voi mot vet thuong
Nghi ngờ con bị cô đánh là tình huống gây căng thẳng nhất. (Ảnh: The Straits Times)

Nghi ngờ con bị cô đánh

Đây là tình huống đáng lo lắng và căng thẳng nhất, bởi nó không đơn thuần là một vết thương mà còn liên quan đến người ảnh hưởng đến con nhiều nhất ở trường: giáo viên. Bố mẹ hãy trao đổi thật nhiều lần với con mình, tìm thêm thông tin từ các phụ huynh khác (thường phụ huynh hay có các group online theo quy mô từng lớp học trường trên facebook), trao đổi với cô giáo đó để nhìn phản ứng của cô… để có thông tin đánh giá cuối cùng.

Mặc dù việc đánh trẻ vẫn xuất hiện và thậm chí phổ biến ở nhiều trường, hẳn các bố mẹ đều đồng ý với tôi rằng đó là điều không thể chấp nhận được trong trường học (cũng như ở nhà). Bố mẹ cần trao đổi với quản lý xem quan điểm của nhà trường về việc này, nhà trường làm gì để không có tình trạng trên trong trường học. Dựa vào thông tin trao đổi, bố mẹ có thể đưa ra quyết định kế tiếp.

Điều quan trọng nhất là ngay từ khi tìm trường cho con, bố mẹ cần phải tìm hiểu kỹ để chọn một trường mầm non không có bạo hành.

Trở lại những vụ cô bắt trò quỳ - phụ huynh bắt cô quỳ; cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng; phụ huynh đánh cô giáo… gần đây, tất cả đều nói lên một điều: thiếu vắng sự tôn trọng và giao tiếp tích cực trong nhà trường, giữa giáo viên và học sinh, giữa phụ huynh và giáo viên. Khi giáo viên hay phụ huynh dùng bạo lực để ứng xử với nhau, nó sẽ là một vòng không hồi kết.

Là cha mẹ, chúng ta muốn giáo viên và ngành giáo dục phải thay đổi và mong muốn này không thể chính đáng hơn. Tuy nhiên, trước hết “hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này” (Mahatma Gandhi) bằng cách ứng xử một cách thận trọng, tử tế và văn minh trong mối quan hệ với cô giáo của con mình.

Hằng Nguyễn

Phụ trách CLB Làm cha mẹ Parents Hub

XEM THÊM

bo me se lam gi khi con di hoc ve voi mot vet thuong Cách mạng 4.0 và 5 kĩ năng cha mẹ có thể chuẩn bị cho tương lai của con

“Trong tương lai, nếu đặt mục tiêu 'con học tốt để vào được Đại học' thì là sai lầm rồi!” – PGS TS Lê Anh ...

bo me se lam gi khi con di hoc ve voi mot vet thuong 1 tuổi – 18 tháng – 2 tuổi: Lúc nào nên cho con đi học mầm non?

Ở giai đoạn mầm non, đặc biệt 0-3 tuổi, điều kiện quan trọng nhất để em bé phát triển (ngoài được quan tâm yêu thương) ...

bo me se lam gi khi con di hoc ve voi mot vet thuong Dấu hiệu nào để nhận biết bố mẹ có thể đã gửi con nhầm trường mầm non 'bạo lực'?

Khi chúng ta phát hiện ra các dấu hiệu bạo hành, thì thực ra con đã bị bạo hành. Vì thế điều quan trọng hơn ...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.