Theo Bộ NN&PTNT, trữ lượng hải sản ở các vùng biển có xu thế giảm dần, tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững. Ảnh: Di Linh |
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ này, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định dẫn đến tình trạng khai thác quá mức và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh và thường diễn ra phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, có hệ thống thực thi pháp luật kém hiệu lực, kém hiệu quả.
Tại Việt Nam, nghề cá phát triển vượt bậc từ năm 1997 nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khai thác hải sản xa bờ.
"Năng lực khai thác tăng liên tục trong hơn 20 năm qua, từ 71.500 tàu cá với công suất trung bình 30,9 cv/tàu năm 1997 lên 110.950 tàu với công suất bình quân 90,1 cv/tàu năm 2016.
Sản lượng khai thác tăng dần từ 1,08 triệu tấn năm 1997 lên 2,931 năm 2016, nhưng năng suất khai thác giảm dần từ 0,51 tấn/cv năm 1997 còn khoảng 0.29 tấn/cv năm 2016.
Hơn nữa, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển có xu thế giảm dần", Bộ NN&PTTN cho biết.
Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,36 triệu tấn, khả năng khai thác khoảng 2,45 triệu tấn.
So với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011-2015 giảm khoảng 14% (trong đó, nhóm hải sản tầng đáy giảm mạnh nhất 42%; nhóm cá nổi lớn 10,8%; nhóm cá nổi nhỏ 3,5%). Như vậy, nguồn lợi hải sản đang có xu thế suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp có nguyên nguyên nhân do lợi ích kinh tế, địa phương chưa xử lý quyết liệt; chủ nậu, vựa, người môi giới đã khuyến khích, tiếp tay đưa tàu cá và ngư dân khai thác trái phép ở các vùng biển nước ngoài.
Tại Kế hoạch hành động Quốc gia nêu trên, Bộ này cũng đưa ra mục tiêu là ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam.
Thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế. Phấn đấu chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước trước năm 2020.
Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 cũng đã được lấy ý kiến của 9 Bộ khác.
Mất tiền tỷ sau bão, ngư dân làng chài Vũng Rô khóc không thành tiếng
Hàng chục nghìn lồng nuôi tôm, cá, hải sản của người dân Phú Yên, Khánh Hòa, bị bão số 12 đánh chìm. Tài sản của ... |