Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng diễn ra chiều ngày 11/11, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) có câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề sử dụng đầu tư công để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án.
Cụ thể, theo quy định của Luật đất đai, việc giao đất thực hiện thông qua hình thức đấu giá đất. Để có đất đấu giá, thì phải giải phóng mặt bằng, để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch và có căn cứ thu hồi đất thì phải có các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, không có dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, do đó đại biệt tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ có giải pháp để tháo gỡ vấn đề này, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, khi nghiên cứu đề án tách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án, Bộ đã tính toán đến, nhưng thực tế đây là một vấn đề rất phức tạp.
"Nếu chỉ có quy hoạch mà chưa có dự án, tức là chưa có chủ trương đầu tư, chưa có quyết định đầu tư mà đã dùng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng, đền bù, tạo quỹ đất sạch, nếu không đấu giá được thì đây lại là một dự án treo và dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn", ông Dũng nói.
Còn nếu đấu giá được và đưa vào một dự án cụ thể được sẽ rất tốt cho nền kinh tế. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, có giải pháp, vì liên quan rất nhiều đến Luật Đất đai.
Đồng thời, trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nêu lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, 30 tỉnh thành có tỷ lệ dưới 60%.
Bộ trưởng thừa nhận công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do gặp khó khăn về hành lang pháp lý, công tác chuẩn bị dự án kém, ảnh hưởng của Covid-19 khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động,…
Cụ thể, Bộ trưởng lý giải nguyên nhân thứ nhất do công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận chỉ trương đầu tư mới bắt đầu thực hiện nên mất nhiều thời gian lặp lại các quy trình, điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần mất rất nhiều thời gian.
Nguyên nhân thứ hai là do tiến độ giải phóng mặt bằng là vấn đề chưa giải quyết ngay được. Nếu các quy định trong Luật Đất đai không giải quyết triệt để sẽ khiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ không giải quyết được nên thời gian qua vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đền bù và các tranh chấp khiếu kiện. Ngoài ra, ý thức người dân, công tác đấu thầu hay việc không được bố trí vốn đối ứng cùng rất nhiều vấn đề khác đang ảnh hưởng làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công.
Riêng năm 2021, nước ta chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương đã phải giãn cách xã hội dẫn đến các vấn đề thiếu nguyên vật liệu, nhân công, lao động, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Ngoài ra, đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.