Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng diễn ra chiều nay (11/11), đại biểu đoàn Tuyên Quang Âu Thị Mai đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, cũng như việc giải ngân vốn ODA còn thấp so với kế hoạch, những giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và các năm tiếp theo.
Đại biểu tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh dẫn ý kiến của các cử tri cho rằng việc sử dụng vốn vay đầu tư phát triển và đặc biệt là sử dụng vốn ODA thời gian vừa qua ở một số nơi, một số chương trình, dự án chưa hiệu quả gây lãng phí, thậm chí là vi phạm pháp luật… đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ quá trình thực hiện trách nhiệm quản lý trong vấn đề này cũng như giải pháp trong thời gian tới.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay vấn đề giải ngân đầu tư công được rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước quan tâm, cũng đã được nêu tại rất nhiều các kỳ họp Quốc hội khóa trước.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt tỷ lệ rất thấp và riêng trong năm 2021 quá trình giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng bởi cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
Bộ trưởng lý giải nguyên nhân thứ nhất do công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận chỉ trương đầu tư mới bắt đầu thực hiện nên mất nhiều thời gian lặp lại các quy trình, điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần mất rất nhiều thời gian.
Nguyên nhân thứ hai là do tiến độ giải phóng mặt bằng là vấn đề chưa giải quyết ngay được. Nếu các quy định trong Luật Đất đai không giải quyết triệt để sẽ khiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ không giải quyết được nên thời gian qua vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đền bù và các tranh chấp khiếu kiện. Ngoài ra, ý thức người dân, công tác đấu thầu hay việc không được bố trí vốn đối ứng cùng rất nhiều vấn đề khác đang ảnh hưởng làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công.
Riêng năm 2021, nước ta chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương đã phải giãn cách xã hội dẫn đến các vấn đề thiếu nguyên vật liệu, nhân công, lao động, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Ngoài ra, đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Với các nguyên nhân trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những giải pháp cần khắc phục trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, hiện nay toàn bộ vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được phân cấp cho các địa phương; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cũng đã phân cấp cho địa phương; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đã phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt và giao vốn chi tiết.
Như vậy, bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay chỉ còn có ba chức năng chính đó là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nguyên tắc, tiêu chí báo cáo Quốc hội kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm, còn lại tất cả các vấn đề lựa chọn dự án, phê duyệt dự án, thẩm định dự án hay điều chỉnh dự án kéo dài hay không, giao vốn chi tiết… tất cả những việc đó là đã giao triệt để phân cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Sau khi được Quốc hội thông qua dự án, Thủ tướng chỉ giao vốn một lần và theo một khoản cho các bộ, ngành, địa phương trước ngày 30/11 của năm trước. Việc triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị dự án… tất cả những vấn đề này các bộ, ngành, địa phương nên cần nhận thức rõ trách nhiệm và trong 63 tỉnh, thành của cả nước nhưng đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân của khoảng 30 tỉnh thành mới đạt dưới 60%.
Bàn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng công tác giải ngân trong thời gian tới cần được thực hiện tốt hơn, nhất là việc thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là nghị quyết gần đây như Nghị quyết 63 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Thứ hai, cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… cần phải làm nhanh hơn.
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng phải phát huy tinh thần để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc, thúc đẩy giải ngân một cách đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang rà soát lại những vấn đề vướng mắc trong Luật Đầu tư để tiếp tục hoàn thiện và cải cách các thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, các địa phương và các Bộ, ngành phải nghiêm túc thực mới có thể mới giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Liên quan đến đầu tư công, Đại biểu đoàn Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai chất vấn ngoại trừ nguyên nhân do dịch, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm về việc chuyển nguồn rất lớn vốn đầu tư công thời gian qua là do bộ chủ quản hay địa phương?
Bộ trưởng Dũng cho biết dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó chịu trách nhiệm. Còn dự án của Trung ương trên địa bàn có cấu phần liên quan đến địa phương, giao cho địa phương thì địa phương đó chịu trách nhiệm.
Ông Dũng lấy ví dụ hiện nay khó khăn lớn nhất của các dự án Trung ương trên địa bàn tại các địa phương là giải phóng mặt bằng. Nếu giao cho địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm, nếu không giao cho địa phương thì thực hiện vẫn do địa phương nhưng trách nhiệm thuộc về Trung ương, bộ quản lý ngành.
Trong Đề án tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới sẽ trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình riêng phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương và địa phương có thể dùng cả ngân sách của trung ương để thực hiện, hoặc có thể dùng cả ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Như vậy sẽ linh hoạt, chủ động và nhanh hơn. Bộ trưởng cho rằng nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ phân bạch rõ ràng trách nhiệm Trung ương hay địa phương đối với dự án của Trung ương trên địa bàn.
Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết vấn đề không nằm ở luật pháp. "Tất cả vấn đề đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến trung ương. Chúng tôi quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ", ông Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng, các nội dung bộ, ngành, địa phương đều đưa lên hệ thống rất thông thoáng và đồng bộ. Nếu thấy đúng thì Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng, không phù hợp thì yêu cầu các tỉnh làm lại.
Do đó, theo Bộ trưởng, giải ngân vốn đầu tư công thấp nằm ở tổ chức thực hiện. Nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, tại sao cùng một thể chế mà có tỉnh đã giải ngân 100% vốn, thậm chí còn vượt số được giao, ứng tiền ra trước để làm, mà có những tỉnh chỉ giải ngân được 18%, có những tỉnh chỉ vài ba chục phần trăm.
Tính đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước đạt 55,8%. Đến cuối năm nay, dự báo giải ngân không thể cao được bằng năm 2020, chỉ đạt 80-85%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị thời gian sắp tới các bộ, ngành, địa phương cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc thì mới có thể giải quyết được.
Đồng quan điểm với đại biểu Tạ Văn Hạ, ông Dũng cho rằng một phần nguyên nhân do lập kế hoạch không sát. Các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, hủy vốn, đầu tư không hiệu quả...
"Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong rà soát kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới", ông Dũng nói.