Dịch Covid-19 kéo chậm tốc độ đầu tư công, còn hơn 242 nghìn tỷ chưa tiêu đến

9 tháng đầu năm, ước tinh cả nước giải ngân được 218.550 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng).

Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới

Ngày 28/9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.

Dịch Covid-19 kéo chậm tốc độ đầu tư công, còn hơn 277 nghìn tỷ chưa tiêu đến - Ảnh 1.

Dự kiến giải ngân đến 30/9, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch. (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn…

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.

Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, hướng dẫn đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, người nhiễm Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Các nhóm giải pháp khác là xây dựng, sửa đổi các quy định đang còn chồng chéo, cản trở đến hoạt động đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Còn tình trạng gặp vướng mắc thì để đấy, trông chờ

Ý kiến phát biểu tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương nêu nhiều bài học kinh nghiệm đáng chú ý, đồng thời nêu nhiều kiến nghị, đề xuất. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết tỉnh đã giải ngân 77,66% trong hơn 10 nghìn tỷ đồng vốn được giao, đứng thứ 7 trong số 63 tỉnh, thành phố. Điều này góp phần giúp tỉnh tăng trưởng khoảng 8% trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách đã đạt 82% kế hoạch, tăng 15% so cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, đến nay, tỉnh đã giải ngân hết số vốn 9 nghìn tỷ đồng mà Thủ tướng giao cho năm 2021, đang tập trung giải ngân số vốn của tỉnh, hiện đã đạt 72%. 

"Phải xác định mục tiêu giải ngân từng tháng, từng quý, lập các tổ công tác đặc biệt thúc đẩy, gắn trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan liên quan như tài chính, kho bạc phải tiếp nhận hồ sơ 24/24h, số liệu giải ngân phải công khai để các bên cùng biết, cùng phấn đấu", ông Văn nói.

Dịch Covid-19 kéo chậm tốc độ đầu tư công, còn hơn 277 nghìn tỷ chưa tiêu đến - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu, đầu tư công phải dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Các bài học khác của Quảng Ninh là phòng chống dịch tốt, giữ địa bàn xanh; động viên, khen thưởng kịp thời cho cán bộ, công nhân trên công trường tăng ca, động viên công nhân không về quê cả trong lúc nghỉ Tết, nghỉ lễ để vừa phòng dịch, vừa đẩy nhanh tiến độ công trình. Tỉnh vừa phát động phong trào thi đua 100 ngày đêm từ giữa tháng 9 đến tháng 12 để hoàn thành các công trình lớn.

Đặc biệt, Quảng Ninh rất quyết liệt, sáng tạo trong giải phóng mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo công tác này để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân. Một điển hình tốt được ông Văn nhắc tới là việc giải phóng mặt bằng cho đường Vân Đồn - Móng Cái chỉ trong 30 ngày đã xong.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường và lãnh đạo nhiều địa phương khác đều ủng hộ việc tách khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hiện luật mới cho phép áp dụng với một số dự án lớn.

Nhiều địa phương bày tỏ ủng hộ rất cao quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, có một số tuyến đường triển khai rất chậm do theo quy định hiện hành, chuyển đổi 10 ha đất lúa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng đề nghị Bộ Xây dựng mạnh dạn phân cấp cho tỉnh thẩm định các dự án nhóm A, dự án cấp 1.

"Vừa rồi, tỉnh có xây dựng thêm tòa nhà khám chữa bệnh 15 tầng phục vụ phòng chống Covid-19, tỉnh báo cáo thì Bộ trưởng đồng ý ngay, ủy quyền cho tỉnh thẩm định và nay đã xong. Nhưng còn các công trình khác, ví dụ cải tạo một chung cư 16 tầng, nhiều tháng rồi chưa nghiệm thu được. 

Hiện nay, năng lực của các Sở Xây dựng đã rất tốt, công nghệ xây dựng cũng rất tiên tiến, cho nên đề nghị phân cấp. Các Bộ trưởng đều rất quyết liệt, các văn bản lên Bộ trưởng thì đều được xử lý không quá 1 ngày, nhưng từ các vụ lên Bộ thì rất lâu", ông Thái nêu thực tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cho biết, tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án, trong đó có 2.021 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, chỉ có 490 dự án khởi công mới. 

Qua trao đổi, Tổ công tác đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy định, thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các địa phương. Một nguyên nhân khác là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài nên khi thực hiện khó khăn, có dự án rồi thì lãnh đạo địa phương không tham gia mà giao hết cho các ban quản lý dự án, trong khi ban quản lý không đủ năng lực, "gặp vướng mắc thì cứ để đấy, trông chờ".

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đặt mục tiêu tới hết quý III giải ngân được 60%, đến hết năm đạt 90-95%.

Thủ tướng đã ban hành Công điện số 1082 tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải ngân. Ngoài ra, các nghị quyết, văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng cũng đề cập rất nhiều tới nội dung này.

Tuy nhiên, tới nay, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và thiếu thông suốt, thiếu đồng bộ. Từ đó, dẫn tới việc giải ngân chậm, kết quả chưa được như mong muốn và việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa được kịp thời. Chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào. "Phải thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn, giải pháp cụ thể hơn", Thủ tướng yêu cầu.

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo. Tuy nhiên, trong điều kiện chung, vẫn có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, cho nên vấn đề vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần phân tích kỹ hơn điều này.

Ông nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, biểu hiện ở một số điểm: Xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, dàn trải; từ dàn trải dẫn tới thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và không đúng bản chất đầu tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để tổ chức thực hiện có những nơi, những lúc thiếu tập trung, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc. Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, có nơi thiếu minh bạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Thủ tướng lưu ý, các quy định khi ban hành không thể bao phủ được hết mọi góc cạnh của cuộc sống, trong quá trình thực hiện, những gì vướng mắc, chưa đúng, chưa sát thì phải phát hiện kịp thời, nhanh chóng khắc phục. Việc giải ngân vốn ODA chậm cũng do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nếu do chủ quan thì phải chỉ ra và khắc phục ngay.

Thủ tướng biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%; đồng thời phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 40%. Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền các cơ quan, địa phương này kiểm điểm nghiêm túc, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ, thậm chí vi phạm thì phải xử lý, đồng thời khen thưởng kịp thời, phân minh, rõ ràng, xử lý kịp thời, nghiêm khắc, đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. "Khen chê rõ ràng, phân minh, khách quan, xuất phát từ kết quả cụ thể, nếu không sẽ dẫn tới trì trệ", Thủ tướng nói.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.