Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở”. Trong đó có quy định “Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ”.
Quy định này được đưa ra trong bối cảnh vừa qua xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, và có tình trạng nhiều công chức sử dụng mạng xã hội không đúng chuẩn mực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định mạng xã hội có nhiều mặt tích cực, nhưng không ít những mặt chưa tích cực.
“Thực tế, những thông tin xấu, độc, bôi nhọ, bịa đặt, chưa được kiểm chứng xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của công chúng, khiến nhiều người không xác định được đâu là nguồn tin đáng tin cậy”, ông cho biết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: Duy Hiếu).
Theo người phát ngôn Chính phủ, chúng ta đã kiểm soát và loại bỏ nhiều tin xấu, độc, bịa đặt nhưng trên mạng xã hội vẫn còn nhiều thông tin thất thiệt. Tin tức giả nhưng hậu quả lại rất thật, thậm chí nghiêm trọng
Vì vậy, trách nhiệm của mọi người sử dụng mạng xã hội là rất quan trọng, trong đó có đội ngũ cán bộ công chức.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng là mong muốn tất cả cán bộ, công chức có suy nghĩ, văn hóa lành mạnh trong hoạt động công vụ cũng như ứng xử ngoài xã hội. Từ đó, nhận biết được và có quan điểm phản bác các thông tin xấu, độc tác động vào ngay bản thân người.
Chia sẻ từ thực tế của Văn phòng Chính phủ, ông Dũng cho biết ngoài thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trang Facebook Thông tin Chính phủ hoạt động từ tháng 10/2015 đến nay đã có tính lan tỏa rộng rãi, hàng ngày thường xuyên cập nhật tin tức hoạt động của lãnh đạo Chính phủ, cũng như những chỉ đạo điều hành từ Chính phủ.
Trang Facebook Thông tin Chính phủ truyền tải những chủ trương, chính sách và chỉ đạo của lãnh đạo. (Ảnh chụp màn hình).
Các thông tin này, theo ông Dũng, đều nhận được nhiều ý kiến phản hồi và tương tác như like, comment từ những người sử dụng mạng xã hội khác. Nhờ vậy, những chính sách, chỉ đạo đến được với mọi người một cách nhanh chóng, rộng rãi hơn.
“Mọi thông tin trên mạng xã hội, báo chí, kể cả những thông tin xấu, độc đều được tập hợp hàng ngày. Trực tiếp tôi và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thường xuyên xem và nghe hết các thông tin này để chọn lọc báo cáo lên Thủ tướng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Nêu thực tế không ít mạng xã hội, trang tin mạo danh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đăng các thông tin thất thiệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận ông cũng là "nạn nhân" của tình trạng này.
“Có người mang danh tôi đi làm nhiều chuyện lắm. Khi nhận được những phản ánh về việc mạo danh, một mặt tôi khẳng định những điều đó là giả mạo nhằm tạo ra những gì bất bình thường, mặt khác, tôi đề nghị cơ quan an ninh điều tra vào cuộc”, người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.
Ngoài ra, ông cho biết còn có tình trạng mạo danh các thư, danh thiếp để lừa gạt người dân, doanh nghiệp. Có rất nhiều trường hợp mạo danh giới thiệu là người của Văn phòng Chính phủ, rồi in tên trên danh thiếp để đi lừa đảo chạy dự án, xin việc làm…
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý, ông nhấn mạnh ngay khi nhận được những thông tin này, Văn phòng Chính phủ lập tức khẳng định đây là trường hợp giả mạo và kiên quyết xử lý công khai.
“Vừa rồi, chúng tôi đã đề nghị cơ quan điều tra xử lý một số trường hợp liên quan đến mạo danh đi huy động tiền xây chùa và cơ quan công an đã làm rất kiên quyết”, ông thông tin.
Từ những thực tế đã chia sẻ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng chúng ta nên xác định giá trị, mục tiêu khi tham gia mạng xã hội. Tham gia để tìm hiểu thông tin là điều tốt, vì với sự phát triển của công nghệ thông tin đòi hỏi chúng ta phải truy cập mạng xã hội để xem xét, cập nhật tất cả thông tin thay vì đóng kín cửa, ngồi trong nhà.
Điều quan trọng là chúng ta có quan điểm, tư tưởng, kiến thức vững vàng khi tham gia một vấn đề nào đó trên mạng xã hội. Mỗi khi bình luận một việc gì đó phải xem xét kỹ lưỡng.
“Dù không dùng tên thật khi tham gia mạng xã hội thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm. Cái gì tốt thì cổ vũ, cái không tốt phải phản biện hợp lý, trên tinh thần xây dựng”, ông Dũng nói.