Chiều 31/5, buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Zing.vn đã đặt 2 câu hỏi tới người phát ngôn Chính phủ.
Câu hỏi đầu tiên về quan điểm của Chính phủ liên quan tới báo cáo giám sát đất đai của Quốc hội với con số 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ có công bố và điều tra làm rõ sai phạm nếu có hay không?
Câu hỏi thứ hai là quan điểm của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về việc cấp phép ồ ạt xây dựng chung cư cao tầng ở các thành phố lớn? Điển hình như hàng chục nghìn căn hộ chung cư ven đường Nguyên Tuân, Lê Văn Lương, Linh Đàm… ở Hà Nội và dọc đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Cảnh, Bến Vân Đồn… tại TP HCM. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hệ lụy mà người dân phải gánh chịu?
Đoạn đường Lê Văn Lương (Hà Nội) dài khoảng 2 km nhưng gánh hành chục nghìn căn hộ chung cư 2 bên. (Ảnh: Việt Linh).
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng được mời cùng trả lời. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết việc quản li quy hoạch, xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng không có mặt tại buổi họp báo. |
Sau đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nêu quan điểm về vấn đề này. Ông không đề cập đến việc có hay không công khai danh sách 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch, mà tập trung vào việc ai phải chịu trách nhiệm khi cấp phép xây dựng ồ ạt chung cư.
Theo Bộ trưởng, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ di dời tất cả cơ sở lớn như bệnh viện, trường học… ra khỏi nội đô để giảm áp lực đến hạ tầng.
Để thực hiện việc này, Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho lãnh đạo các địa phương. Nội dung phân cấp chủ yếu là việc xây dựng như thế nào, quy hoạch ra sao cho đúng chỉ đạo chung về mật độ và các hạ tầng phúc lợi kèm theo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. (Ảnh: Phạm Duy).
“Đúng là hiện nay có nhiều bất cập. Chúng ta thấy việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trong các đô thị lớn, mật độ dân số cao trong khi bất cập về hạ tầng dùng chung, hạ tầng phúc lợi công cộng… không đáp ứng được”, người phát ngôn Chính phủ nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh nếu đầu tư đồng bộ về hạ tầng với xây dựng chung cư sẽ xử lý được bất cập. Thực trạng hiện nay lại không có sự đồng bộ.
“Các cơ quan báo chí quan tâm là điều rất đúng”, ông nói.
Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại việc Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho các địa phương.
“Chính phủ đã phân cấp trách nhiệm quản lí, phê duyệt các dự án, quản lí quy hoạch, quản lí đô thị, chỉnh trang đô thị… cho các địa phương, nhất là các thành phố lớn”, ông nói.
Nhiều địa phương chưa tuân thủ các quy định về tổ chức không gian trong đô thị, việc quy định trách nhiệm của các chủ thể chưa rõ ràng, chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lí vi phạm.
Theo báo cáo, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện. Việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh trong đó có 9 dự án điều chỉnh hơn 5 lần.
Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kĩ thuật.
Một số địa phương cũng điều chỉnh quy hoạch bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số. Những hạn chế này thường diễn ra tại các tỉnh, thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
Đặc biệt, đoàn giám sát của Quốc hội nhận định có tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.