Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành kế hoạch tổ chức phong trào "thi đua thực hiện văn hoá công sở giai đoạn 2019 - 2025"; trong đó yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải "tuân thủ kỉ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều làm ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người phát ngôn Chính phủ có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh nội dung trên.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: HT
- Thưa ông, vì sao việc sử dụng mạng xã hội của cán bộ, công chức được đặt ra lúc này?
+ Quy định của Đảng, Nhà nước về vấn đề này đã có từ lâu, cụ thể như quy định những điều đảng viên không được làm và các quy định khác trong Luật cán bộ công chức, Luật viên chức.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã kiểm soát và loại bỏ nhiều tin xấu độc, bịa đặt trên mạng xã hội, song ở môi trường này vẫn còn nhiều thông tin thất thiệt. Tin tức giả nhưng hậu quả lại rất thật, thậm chí nghiêm trọng. Những thông tin xấu, độc, bôi nhọ, bịa đặt, chưa được kiểm chứng, không dựng lên thành có xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của người dân. Nhiều người không xác định được đâu là nguồn tin đáng tin cậy.
Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn, trước hết là tự mỗi người nâng cao nhận thức để phân biệt đúng sai, thật giả, không phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng.
Mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng là mong muốn tất cả cán bộ, công chức có suy nghĩ, văn hóa lành mạnh trong hoạt động công vụ, ứng xử với người dân và tham gia mạng xã hội.
- Văn phòng Chính phủ rất tích cực trong việc sử dụng Facebook để cung cấp thông tin đến báo chí cũng như người dân. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc này?
- Cùng với cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trang Facebook Thông tin Chính phủ hoạt động từ tháng 10/2015 đến nay đã thường xuyên cập nhật tin tức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ và các vấn đề thời sự khác. Thông tin đăng tải đều nhận được sự tương tác, bình luận, phản hồi của đông đảo người đọc. Tôi và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thường xuyên xem, lắng nghe các thông tin này để chọn lọc, báo cáo lên Thủ tướng.
Qua các kênh nói trên, bên cạnh việc nắm tình hình chung, chúng tôi cũng biết được cấp chính quyền, hay cán bộ nào đó còn gây phiền hà, hạch sách người dân, doanh nghiệp để chấn chỉnh kịp thời.
Người dân cũng có nhiều góp ý về việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, chúng tôi đều lắng nghe và tham mưu cho Chính phủ quan tâm tháo gỡ. Có thể nói các kênh thông tin trên rất hiệu quả và đã góp phần giúp Văn phòng Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
- Là người phát ngôn Chính phủ, ông chia sẻ điều gì với cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hội?
- Tôi cho là cán bộ, công chức nên xác định cho mình một hệ thống giá trị rõ ràng khi tham gia mạng xã hội. Chúng ta không thể đóng kín cửa trước sự phát triển của công nghệ thông tin. Mọi người từ vị trí công việc và thời gian phù hợp, ví dụ ngoài giờ hành chính thì cần thiết truy cập mạng xã hội để nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình xung quanh. Nhưng điều quan trọng là người cán bộ, công chức phải có quan điểm, tư tưởng, kiến thức vững vàng, xem xét kĩ khi tham gia bàn luận một vấn đề nào đó trên mạng xã hội.
Anh có thể dùng tên thật hoặc không khi bàn luận nhưng phải có trách nhiệm với hành động của mình, cái gì tốt thì cổ vũ, không tốt thì phản biện hợp lí trên tinh thần xây dựng.
Tóm lại, tôi cho rằng đã tham gia mạng xã hội thì phải có trách nhiệm với xã hội. Nếu chúng ta đưa những thông tin không đúng, không tốt, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh, đặc biệt là giới trẻ.
- Hiện có nhiều tài khoản trên mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phát tán thông tin. Tình trạng này đang được xử lí như thế nào?
- Việc này đang được các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Thông tin Truyền thông tích cực giải quyết. Ngoài mạo danh lãnh đạo trên mạng, hiện còn có tình trạng mạo danh gửi thư, danh thiếp in các chức danh không có hoặc có nhưng không đúng người...
Rất nhiều trường hợp mạo danh giới thiệu là người của Văn phòng Chính phủ đi chạy dự án, xin việc làm, lừa người dân. Khi nhận được những thông tin như vậy, chúng tôi trả lời các cơ quan ngay là "Văn phòng Chính phủ không có những trường hợp này và đây là mạo danh". Chính phủ kiên quyết xử lí và công khai để người dân không hiểu lầm.
Thậm chí có người còn mang danh tôi đi làm nhiều chuyện lắm. Khi nhận được những phản ảnh về việc mạo danh, một mặt tôi khẳng định những điều đó là không có, đấy là giả mạo, mặt khác tôi cũng đề nghị cơ quan an ninh điều tra vào cuộc.
Vừa rồi chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra xử lí mấy trường hợp mạo danh cán bộ đi huy động tiền xây chùa. Trong buổi họp các cơ quan chức năng liên quan đến quản lí hoạt động trên mạng xã hội, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an phải có giải pháp căn cơ, biện pháp pháp lí, kinh tế, kĩ thuật để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng nêu trên.