Bộ Y tế: Việt Nam chưa phát hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2

Tại Hội nghị trực tuyến sáng 23/12, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 làm tăng khả năng bám dính virus, đột biến trên vùng gene của virus SARS-CoV-2. Đây là điều hết sức lo ngại.

Sáng 23/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu.

Biến chủng của SARS-CoV-2 gây lo ngại

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin về biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh. Chủng virus mới này hiện đang khiến giới khoa học lo ngại, nhiều nước đã tiến hành phong tỏa với Anh.

Bộ trưởng cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 làm tăng khả năng bám dính virus, đột biến trên vùng gene của virus SARS-CoV-2. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên 70%. Đây là điều hết sức lo ngại.

"Tại Việt Nam, đợt dịch tại Đà Nẵng vừa rồi, có đột biến làm tăng lây nhiễm nhưng không như đợt này. Trong thời điểm hiện nay, các nhà khoa học luôn theo dõi chặt chẽ sự biến chủng của virus này và hiện chưa thấy có khả năng ảnh hưởng đến vắc xin phòng Covid-19", GS Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế: Biến chủng của SARS-CoV-2 tăng tốc độ lây truyền - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Thuý Hà).

“Sự biến chủng này của virus SARS-CoV-2 tăng khả năng lây truyền, nhưng không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh tật. Mặc dù quan ngại, nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó với chủng này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết ngành y tế Việt Nam đã làm mẫu và Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt là người nhập cảnh từ châu Âu để đánh giá khả năng lây truyền và xâm nhập vào Việt Nam. Hiện, nước ta chưa phát hiện biến chủng mới này. 

Từ hôm nay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống Covid-19 thành cao điểm để bảo đảm dịp Tết Nguyên đán người dân được hưởng Tết an lành.

Việt Nam phải tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin

Về vấn đề vắc xin, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan, chúng ta đã đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc xin. Đến nay, Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax. Các đối tượng thử nghiệm giai đoạn 1 an toàn.

Ba công ty khác cũng nghiên cứu phát triển vắc xin. Công ty IVAC, Vabiotech có lộ trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 3/2021,  thử nghiệm cả hai miền Bắc và Nam để bảo đảm đại diện cho toàn quốc. Riêng công ty Polyvac tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với Trung Quốc, Nga để có vắc xin. 

Chúng ta sẽ tìm kiếm song song nguồn vắc xin của các công ty ở nước ngoài, đồng thời phải tập trung cho nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.

Theo ước tính và dự báo khoa học, hiện nay chưa có vắc xin nào chứng minh có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Vì thế, chủ động nguồn vắc xin cho người dân là việc rất quan trọng nên Việt Nam phải tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin.

"Tuy nhiên, chúng ta không trông chờ vào  vắc xin, mà phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, Bộ trưởng cho biết.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.