Chiều 10/1, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. Xung quanh nội dung gây tranh cãi về quản lý với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, dự thảo luật đã được lược bỏ quy định "đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam".
Báo cáo về những vấn đề còn ý kiến khác nhau sau lần đầu thảo luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, một số vị đại biểu cho rằng, các lý do cần xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng của Chính phủ chưa thuyết phục, bởi về cơ bản đã được điều chỉnh tại Luật An ninh quốc gia và Luật An toàn thông tin mạng. Một số ý kiến không tán thành ban hành luật và đề nghị sửa đổi hai luật nói trên hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành hai luật này.
Dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra dự án luật - UB Quốc phòng và an ninh - nhấn mạnh, không gian mạng là môi trường đặc thù (phi truyền thống), có những yêu cầu, nội dung riêng về công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Vậy nên việc sửa đổi, bổ sung Luật An ninh quốc gia không thể quy định chi tiết, cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, hoạt động bảo vệ an ninh mạng có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên không thể ban hành văn bản dưới luật để điều chỉnh về an ninh mạng.
Còn đối với Luật An toàn thông tin mạng chủ yếu tập trung điều chỉnh vấn đề bảo vệ an toàn thông tin mạng, tuy có một số quy định liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhưng chưa quy định đầy đủ, cụ thể các hoạt động liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Vì vậy, Thường trực UB tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật An minh mạng.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng đề cập nội dung gây tranh cãi cả trong và ngoài nghị trường, về quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam (khoản 4 điều 34 dự luật trình Quốc hội).
Cơ quan thẩm tra cho biết, một số ý kiến không nhất trí với quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.
Thường trực UB cho rằng, việc bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được lược bỏ quy định "đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam" và chỉnh lý khoản 4 điều 34 tại khoản 4 điều 27 dự thảo mới nhất.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm báo cáo tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội. |
Sau khi chỉnh lý, dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải: đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ; lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam; thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; cung cấp dữ liệu người sử dụng Việt Nam và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phạm an ninh mạng
Tuy nhiên, đây là nội dung nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội và ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong luật này. Do đó, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
Theo tướng Võ Trọng Việt, hai vấn đề còn tranh cãi nhất của luật này chính là khoản 4 điều 27 và việc tiền kiểm hay hậu kiểm đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Hiện nay, đã có 14 nước, trong đó có cả Mỹ đặt máy chủ ở Việt Nam và 40% doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng không khai báo vì liên quan đến vấn đề thuế.
Đại diện cơ quan soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lý giải, hiện dư luận trong nước cũng như quốc tế quan tâm nhiều đến việc tại sao phải đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng bản chất của việc này không phải là máy chủ, mà dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng khác tạo ra trong quá trình sử dụng ở Việt Nam thì phải để ở Việt Nam.
“Đây là tài sản của Việt Nam, tài nguyên của Việt Nam, do chúng ta tạo ra, liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì chúng ta phải được quản lý” – Thượng tướng Tô Lâm nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, việc đặt máy chủ do chưa trở thành tiền lệ trên thế giới nên còn tranh cãi giữa một số nước, nhưng nếu Việt Nam quyết tâm thì vẫn có thể có cách quy định cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến khác bày tỏ lo ngại về khả năng vi phạm điều ước quốc tế, khi tháng 8 vừa qua, đại sứ Mỹ, Canada, Úc và trưởng phái đoàn EU, các đại sứ của cộng đồng EU đã có thư gửi Chủ tịch Quốc hội bày tỏ "ủng hộ nhiều nội dung của dự luật để bảo đảm một nền an ninh quốc gia không bị đe dọa", tuy nhiên, "có một số nội dung e rằng vi phạm cam kết quốc tế", đặc biệt là điều khoản yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và quy định các điều khoản mang tính khả thi cao, đặc biệt liên quan đến điều ước quốc tế, tránh những phản ứng không đáng có xảy ra. Khoản 4 điều 27 cần được tiếp tục chỉnh lý, xin ý kiến rộng rãi thêm, Phó chủ tịch lưu ý.